Chiến sự Ukraine càng kéo dài, lời hứa viện trợ của châu Âu càng trở nên mong manh

20:00' 31-10-2024
Các lãnh đạo châu Âu hứa hẹn ủng hộ Ukraine tới cùng, nhưng áp lực trong nước và kịch bản ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể cản trở cam kết này.

Mỹ tuần trước thông báo nhóm G7 cam kết cung cấp cho Ukraine gói vay 50 tỷ USD dựa trên lợi nhuận thu được từ tài sản của Nga đang bị phương Tây đóng băng. Washington đóng góp 20 tỷ USD trong số đó.

"Ukraine có thể nhận được hỗ trợ họ cần ngay bây giờ mà không gây gánh nặng cho người nộp thuế Mỹ", Tổng thống Joe Biden nói.

Những cam kết như vậy rất quan trọng với Ukraine, nước đang đối mặt với tình hình căng thẳng trên chiến trường và mùa đông khó khăn sắp tới. Giới lãnh đạo nước này đang cố gắng thuyết phục phương Tây hỗ trợ nhiều hơn, như đưa ra lời mời gia nhập NATO và bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tập kích sâu vào lãnh thổ Nga.

Ủng hộ Ukraine tới cùng vẫn là lập trường của hầu hết các nước châu Âu. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách trong khu vực thừa nhận cuộc chiến càng kéo dài, họ càng khó thực hiện cam kết, khi phải đối đầu với những chia rẽ trong nước và tính khó lường của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ ngày 17/10. Ảnh: AP

Khi cuộc bầu cử Mỹ chỉ còn cách một tuần nữa, mối lo ngại lớn nhất tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ cho đến nay là kịch bản Mỹ "quay xe" với Ukraine và châu Âu nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Ông Trump từng nhiều lần chỉ trích liên minh NATO và thậm chí đe dọa quay lưng đối với các đối tác quân sự, ngoại giao thân cận của Mỹ. Dù ít nhà hoạch định chính sách cho rằng Trump sẽ rút Mỹ khỏi NATO, nhiều người lo lắng về lập trường khó đoán của ông với liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.

"Chúng tôi không biết nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump thực sự có thể mang lại điều gì đối với Ukraine", Adam Thomson, giám đốc Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu kiêm cựu đại sứ Anh tại NATO, nói.

"Không ai có bất kỳ ý tưởng nào về những gì ông Trump có thể làm. Do đó bạn phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống", một nhà ngoại giao NATO giấu tên nói.

Ông Trump sẽ làm gì với cuộc chiến ở Ukraine là một trong những câu hỏi khó trả lời nhất hiện nay. Cựu tổng thống Mỹ nói vẫn ủng hộ Ukraine, nhưng trong cuộc phỏng vấn trên kênh PBD Podcast ngày 17/10, Trump lại chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vì không ngăn xung đột, thêm rằng "không phải tôi không muốn giúp ông ấy, chỉ là thấy rất tệ cho những người ở đó".

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã bắt đầu xem xét khả năng NATO đứng ra dẫn dắt nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine, thay vì Mỹ. Họ hiểu với sự thống trị của Mỹ tại NATO và phần đóng góp lớn của Mỹ cho Ukraine, kịch bản Washington rút lui dưới thời Trump có thể là tổn thất khó bù đắp.

Nathalie Tocci, giám đốc Viện nghiên cứu Các vấn đề quốc tế tại Rome kiêm cựu cố vấn chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), nói rằng các nước châu Âu đã tìm cách tăng ngân sách quốc phòng và gánh vác phần lớn hơn trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, họ sẽ gặp rắc rối lớn nếu hàng chục tỷ USD viện trợ của Mỹ cho Ukraine đột ngột biến mất, có thể chỉ bằng một sắc lệnh hành pháp nếu Trump đắc cử.

Ngay cả khi bà Kamala Harris trở thành tổng thống, vai trò của Mỹ trong hỗ trợ Ukraine những năm tới có thể vẫn là dấu hỏi. Ứng cử viên đảng Dân chủ cam kết ủng hộ Ukraine và các quan chức châu Âu kỳ vọng bà sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách của chính quyền Tổng thống Biden.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn viện trợ lâu dài cho Ukraine, bà Harris sẽ cần nhận được sự đồng thuận từ quốc hội. Điều này có thể trở nên khó khăn hay không còn tùy thuộc vào kết quả bầu cử và tâm trạng của cử tri Mỹ, những người sẽ bầu tổng thống cùng toàn bộ thành viên Hạ viện và khoảng 1/3 Thượng viện trong ngày 5/11.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng này nói rằng dù ai trở thành chủ nhân Nhà Trắng, châu Âu cũng không còn là mối ưu tiên của Mỹ.

"Họ là đối tác vô cùng nhiệt thành và đáng tin cậy trong vấn đề Ukraine. Nhưng tôi không biết điều đó có kéo dài không. Chúng tôi là đồng minh mạnh mẽ của Mỹ, nhưng sẽ phải chuẩn bị khả năng không còn nằm trong chương trình nghị sự của họ", ông nói.

Xung đột Ukraine gần với các nước châu Âu hơn Mỹ, quốc gia nằm bên kia bờ Đại Tây Dương. Tại Đông Âu, nơi giáp Ukraine và Nga, nỗi lo lắng về ảnh hưởng của xung đột thậm chí lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận thấy có những dấu hiệu công chúng ở châu Âu suy giảm ủng hộ đối với Ukraine. Các cuộc thăm dò cũng chỉ ra sự ủng hộ đang giảm dần theo thời gian.

Tại Đức, nước hỗ trợ quân sự cho Ukraine lớn thứ hai sau Mỹ, tỷ lệ người dân cho rằng mức hỗ trợ tài chính cho Ukraine đang quá nhiều đã tăng gần gấp đôi, từ 21% trong những tuần đầu xung đột lên 41% vào đầu năm nay, theo công ty thăm dò dư luận Infratest Dimap.

Giới chính trị gia cực hữu và cực tả ở các nước đã khai thác tâm lý mệt mỏi của công chúng về cuộc chiến, liên kết điều đó với nỗi thất vọng về tình trạng kinh tế châu Âu.

Ông Robert Fico, người theo chủ nghĩa dân túy ủng hộ Nga, đã chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái ở Slovakia với lời hứa chấm dứt viện trợ vũ khí cho Ukraine. Các đảng kêu gọi giảm viện trợ quân sự cho Kiev cũng giành được kết quả tốt trong cuộc bầu cử tháng trước ở ba bang miền đông Đức, nơi có lập trường thân thiện với Nga hơn phương Tây.

"Chính trị trong nước ở châu Âu vốn rối ren, nhưng nỗi lo lắng về ảnh hưởng của phe cực hữu ở đây ngày một lớn hơn. Ở một số quốc gia, chúng tôi nhận thấy tâm lý chán chường hoặc kịch liệt phản đối với việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine", Thomson nói.

Tocci cho rằng những vấn đề này có thể là trở ngại lớn khi đưa ra quyết sách về vấn đề Ukraine, đặc biệt trong kịch bản ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Tòa nhà đổ nát vì giao tranh ở thành phố Chasov Yar, vùng Donetsk, Ukraine ngày 16/10. Ảnh: Reuters

Tổng thống Macron đang bị mắc kẹt trong hỗn loạn chính trị kể từ khi đảng của ông thất bại trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu và bầu cử quốc hội trong nước.

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng bị đe dọa sau những thắng lợi của phe cực hữu và bị bủa vây với những đấu đá nội bộ, nên sẽ khó có động thái mạo hiểm nào trước cuộc bầu cử liên bang vào năm tới.

Dự thảo ngân sách năm 2025 của Đức dự kiến cắt một nửa viện trợ cho Ukraine xuống còn hơn 4 tỷ USD. Quan chức Đức cho rằng Ukraine không cần nhiều hỗ trợ song phương bởi nước này có thể dựa vào khoản vay 50 tỷ USD được G7 thông qua.

"Mọi quốc gia đều cảm thấy khó khăn. Nếu tiếp tục chi hàng tỷ USD cho Ukraine vào năm tới, chúng tôi không còn tiền để giải quyết vấn đề bổ sung giáo viên và y tá", một quan chức cấp cao ở châu Âu nói.

Nhiều nhà ngoại giao NATO lưu ý rằng sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine không chỉ đơn thuần xuất phát từ lòng thương cảm, mà còn vì chính lợi ích của các nước này.

Tuy nhiên, quan chức cấp cao NATO thêm rằng "xung đột càng kéo dài, bạn sẽ càng phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì ủng hộ, bởi sẽ có nhiều ý kiến rằng tại sao chúng tôi phải tiếp tục hỗ trợ cuộc chiến này?".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-ap-luc-de-doa-cam-ket-ung-ho-ukraine-cua-chau-au-4809818.html