Chi phí sinh hoạt tăng cao có thể làm gia tăng khoảng cách học vấn giữa các học sinh Úc
Chi phí sinh hoạt tăng cao có khả năng làm gia tăng khoảng cách học vấn giữa các học sinh Australia. Ảnh: Freepik.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em Australia trong độ tuổi đi học khi phụ huynh phải chật vật để mua đồng phục, chi trả bữa trưa hoặc các chuyến dã ngoại, theo khảo sát của Smith Family.
Guardian cho hay 2/3 trong số gần 2.000 phụ huynh và người chăm sóc tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy khó khăn hơn trong việc trang trải chi phí dành cho việc đến trường của con cái. 1/2 số phụ huynh cho biết nguyên nhân chính là do chi phí xăng dầu, hàng tạp hóa và tiền thuê nhà ngày càng tăng.
Phụ huynh Zahra - một bà mẹ có bốn con, mới nhập cư gần đây - cho biết số tiền chi trả hóa đơn và thực phẩm tăng cao, cộng với chi phí học tập khiến vấn đề tài chính của cô căng thẳng hơn rất nhiều.
“Đồng phục, chi phí ăn trưa, dã ngoại, mua sắm, các hoạt động vui chơi đang diễn ra ở trường... tôi sợ mình sẽ không thể mua những thứ này cho con”, cô nói.
Ông Doug Taylor - CEO Smith Family - cho biết thách thức từ chi phí sinh hoạt làm tăng nguy cơ những đứa trẻ vốn gặp bất lợi bị tụt lại phía sau, thậm chí bỏ học.
“Một học sinh đã nói với tôi về tác động của việc không có đồng phục giống bạn bè (áo cũ hơn hoặc đôi giày khác nhau). Chúng cảm thấy mình không thể mua được những thứ khác mà học sinh có. Việc thiếu tự tin đó có thể dẫn đến sự buông thả trong việc học”, ông Taylor nói.
Bà Jenny Davidson - CEO Council of Single Mothers and Their Children - cho biết các khách hàng của bà cũng bày tỏ lo ngại tương tự. Gần đây, một phụ huynh đến gặp bà trong nỗi lo lắng về chi phí khi con họ bắt đầu học tiểu học vào năm tới.
Trong khi đó, các giáo viên cũng lo lắng về việc chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng lớn đến học sinh.
Một giáo viên tại một trường trung học cho biết giá thuê nhà tăng vọt trong đang gây khó khăn cho học sinh, trong khi nhiều gia đình vẫn đang phải hồi phục sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Thậm chí, một số trẻ phải ngủ trong lều cùng gia đình.
Một giáo viên khác, làm việc tại một trường tiểu học ở Melbourne, lo ngại chi phí sinh hoạt tăng cao làm gia tăng khoảng cách học vấn giữa các học sinh.
“Những đứa trẻ có lợi thế hơn thường nhận được sự giúp đỡ từ bảo mẫu hoặc gia sư để tiến bộ. Trong khi đó, các phụ huynh gặp khó khăn về tài chính không có sự giúp đỡ đó. Họ rất nghèo, không phải lúc nào cũng có thể làm những việc như giúp con đọc sách ở nhà”, giáo viên này nói.
Cùng với thách thức về tài chính, một số người nhận định trẻ em đang phải vật lộn với các vấn đề xã hội, về mặt học tập hoặc động lực. Chúng khó bắt kịp sau khi đại dịch bùng phát.
1/3 phụ huynh và người chăm sóc cho biết học sinh không có mọi thứ cần thiết để đến trường. Dưới 1/3 nhận xét chi phí cho các vật dụng ở trường đã tăng lên.
Smith Family đang hỗ trợ chi phí giáo dục cho con cái của Zahra theo chương trình Learning for Life.
“Một trong những đứa con của tôi bắt đầu đi học mẫu giáo vào tháng 1/2023. Nhờ nhận được hỗ trợ, tôi có thể hào hứng với ngày đầu tiên của con thay vì lo lắng về việc không đủ tiền mua đồng phục”, Zahra nói.
Article sourced from Zing.