Châu Âu ấp ủ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đa cực

14:16' 09-02-2021
Trong cuộc gặp đại sứ Australia năm 2017, Tổng thống Macron bày tỏ quan tâm đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giữa lúc Mỹ - Trung cạnh tranh ảnh hưởng.

"Macron nói rằng ông ấy nhận thức được tình huống ngặt nghèo tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Australia sẽ không đơn độc", Brendan Berne, đại sứ Australia tại Pháp hồi năm 2017, kể lại cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Chưa đầy 6 tháng sau, Macron tới thăm Australia để công bố những kế hoạch lớn trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ông, với cam kết rằng G7 sẽ bảo vệ an ninh hàng hải và những luật lệ trong trật tự quốc tế.

Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên đưa ra những kế hoạch tăng cường vai trò tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sau đó Đức và Hà Lan cũng nối gót. Đây là ba nước đang dẫn dắt việc soạn thảo chiến lược tại khu vực này cho Liên minh châu Âu (EU), được kỳ vọng sẽ ra mắt trong năm nay.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và cựu thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong cuộc họp báo ở Sydney, Australia, hồi tháng 5/2018. Ảnh: AP.

Khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thường được mô tả như một khuôn khổ nhằm kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh, thể hiện qua chiến lược của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu vực, với mục tiêu rõ ràng là ngăn Trung Quốc gia tăng khả năng quân sự và chiến lược.

Tuy nhiên, chiến lược của châu Âu nhìn chung hướng tới các điều khoản trung lập nhằm duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Các nhà ngoại giao cấp cao châu Âu nhấn mạnh họ sẽ không ủng hộ những yếu tố trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung.

"Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng tôi không hoàn toàn nhằm chống lại Trung Quốc. Điều thực sự quan trọng là tạo điều kiện phát triển một khu vực đa cực", Christophe Penot, đại sứ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp, cho hay.

Tuy nhiên, ngoại trừ Pháp, quốc gia có tới 1,8 triệu công dân trên các đảo thuộc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng quan hệ rộng rãi với người Ấn Độ và Australia, những nước châu Âu khác mới nhận thức được tầm quan trọng từ sự tích cực của châu Á cách đây 12 - 18 tháng, giới phân tích nhận định.

"Chúng tôi luôn đồng quan điểm rằng Trung Quốc là một đối tác kinh tế. Tuy nhiên, với những bê bối về mạng 5G, Covid-19 và ngoại giao chiến lang, họ giờ đây bị coi là một thách thức an ninh", Eva Pejsova, chuyên gia về Nhật Bản tại Đại học Vrije của Bỉ, cho biết.

"Đức và Hà Lan nhận thức được rằng cán cân địa chính trị đang chuyển sang phụ thuộc vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Họ muốn trở thành một phần của sự thay đổi và không muốn ngồi yên một chỗ", Pejsova nói thêm.

Đường lối của Đức, được nội các nước này thông qua hồi tháng 9/2020, vạch ra các nguyên tắc về luật lệ, trật tự và tự do hàng hải, đồng thời kêu gọi hợp tác với những nước "có chung giá trị" như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngay cả thông điệp được đánh giá thận trọng này cũng đã khiến phía Trung Quốc phản đối.

"Đường lối chính sách mới đây của Đức báo trước về sự đồng nhất thái độ và chính sách chung của Mỹ và Đức trong tương lai, đối với việc xử lý các vấn đề tại khu vực", hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua nhận định, đồng thời công kích rằng Đức thiếu ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cảnh báo "quan hệ Trung Quốc - châu Âu có thể không bao giờ như cũ".

Trong khi đó, các nước thuộc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng "mở lòng" với triển vọng về sự hiện diện của châu Âu. Australia, quốc gia có mối quan hệ với Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, đã cử các nhà ngoại giao đến khắp những nước châu Âu trong năm qua để củng cố sự đồng thuận.

Ấn Độ cũng lặng lẽ ủng hộ việc Pháp gia nhập Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương hồi tháng 12/2020, khiến quốc gia châu Âu trở thành nước thành viên đầu tiên không có lãnh thổ trong khu vực. Theo Bhaswati Mukherjee, cựu lãnh đạo phụ trách Tây Âu tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ, New Delhi lâu nay còn kêu gọi EU triển khai chính sách đối ngoại kiên quyết hơn.

"Chúng tôi hoan nghênh việc các nước khác quyết định đầu tư vào khu vực. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của phương Tây, nhưng EU thời gian qua đã nhẹ tay với họ", Mukherjee, người từng giữ chức đại sứ Ấn Độ tại Hà Lan, nêu ý kiến.

Đối với ASEAN, bất chấp mối quan hệ khác nhau giữa các nước thành viên với Trung Quốc, họ được cho là vẫn sẽ chào đón một châu Âu cứng rắn hơn, sau khoảng thời gian mích lòng với phương Tây vì Đông Nam Á dường như không nhận được sự quan tâm nhiều như Đông Bắc Á.

Kanti Bajpai, giáo sư Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tại Singapore, đánh giá một EU tích cực hơn sẽ dễ dàng có chỗ đứng trong cấu trúc an ninh khu vực. "Việc tất cả cường quốc đều tham gia cuộc chơi phù hợp với chiến lược của ASEAN", ông nói.

Bằng chứng rõ ràng nhất cho sự xoay trục của châu Âu về phía Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là sự triển khai khí tài quân sự. Năm 2019, tàu sân bay Pháp Charles De Gaulle cập cảng Singapore, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly có bài phát biểu được đón nhận nhiệt tình tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La.

Tàu sân bay Pháp Charles De Gaulle cập cảng căn cứ hải quân Changi, Singapore, hồi tháng 5/2019. Ảnh: CNA.

"Chúng tôi tin rằng mình có thể vạch ra con đường riêng, tránh đối đầu, mang tới một tiếng nói khác biệt", Parly cho biết, kêu gọi các bằng hữu và "những người thiện chí" tham gia bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên quy tắc. "Chúng tôi hy vọng được đồng hành cùng quá trình tái cân bằng trên quy mô lớn đang diễn ra tại khu vực một cách hòa bình, đa phương, nhưng mạnh mẽ".

Anh cũng dự kiến đưa một nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực vào cuối năm nay, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kamp-Karrenbauer hồi tháng 11/2020 tuyên bố các sĩ quan hải quân Đức sẽ làm nhiệm vụ trên các tàu Australia trong những chuyến tuần tra Ấn Độ Dương. Đức còn sẵn sàng điều một chiến hạm đến Nhật vào mùa hè. "Châu Âu nhận ra rằng quyền lực mềm không đủ để họ trở thành một bên có chỗ đứng trên trường quốc tế", Mukherjee nhận xét.

Tuy nhiên, Collin Koh, chuyên gia quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng ngoài Pháp thì các nước châu Âu khác không có khả năng thể hiện "sức mạnh cứng" đáng kể trong khu vực. "Châu Âu sẽ tập trung hơn vào sự hiện diện kinh tế. Quân sự chỉ là công cụ thứ yếu để chứng minh sự quan tâm của họ", Koh nhận định.

Một số người nghi ngờ tầm ảnh hưởng kinh tế của châu Âu sau sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhìn thấy tiềm năng trong xây dựng và chuyển giao công nghệ, những lĩnh vực mà đại sứ Penot của Pháp cho rằng EU thực sự cần vạch ra chiến lược rõ ràng.

"EU vốn là đối tác lớn và có thể mang tới nhiều lợi ích về an ninh, thương mại tự do, cơ sở hạ tầng và viện trợ phát triển. Mục tiêu thúc đẩy sự tham gia toàn diện của EU là một phần vô cùng quan trọng trong chiến lược quốc gia của chúng tôi", Penot cho biết.

Trong ba năm qua, EU đã ký các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Singapore và Việt Nam, cùng một thỏa thuận quản lý khủng hoảng với Việt Nam. Liên minh cũng đang đàm phán một FTA với Australia kể từ năm 2018. Ngày 1/12/2020, vài tuần trước khi đồng ý một hiệp định đầu tư với Trung Quốc, EU nhất trí nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược, hướng tới một hiệp định thương mại.

Trung Quốc dĩ nhiên không ngồi yên khi châu Âu vạch chiến lược. Trong bối cảnh EU đang chật vật tiêm chủng vaccine Covid-19 cho công dân của chính họ, Trung Quốc đã đồng ý đưa hàng triệu lọ vaccine Sinovac đến Myanmar, Philippines và Indonesia. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người vừa kết thúc chuyến công du Đông Nam Á tháng trước, cảnh báo các nước "đề phòng với mọi hình thức giả mạo chủ nghĩa đa phương".

Thêm vào đó, vẫn còn nhiều câu hỏi về tác động của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của châu Âu. Động lực khiến châu Âu tích cực hiện diện trên trường quốc tế chủ yếu bắt nguồn từ nỗi lo lắng về chủ nghĩa biệt lập của Trump, cùng thái độ coi thường liên minh xuyên Đại Tây Dương của cựu tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, Biden đã cam kết tham vấn đồng minh nhiều hơn, đồng thời chỉ định Kurt Campbell, nhà ngoại giao "diều hâu" với Trung Quốc, phụ trách các vấn đề tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một số quan chức an ninh quốc gia có tầm ảnh hưởng của đảng Dân chủ, như Michele Flournoy, từng gợi ý rằng châu Âu có thể tập trung vào an ninh tại khu vực Bắc Đại Tây Dương, để tạo điều kiện cho Mỹ dồn nhiều nguồn lực hơn vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, châu Âu được cho là sẽ không lung lay.

"Thật tuyệt nếu Mỹ trở lại, nhưng thế giới không còn giống như 4 năm trước. Châu Âu không muốn từ bỏ toàn bộ ý tưởng về sự tự chủ chiến lược chỉ vì Mỹ đã trở lại", chuyên gia Pejsova nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/chau-au-ap-u-ve-an-do-duong-thai-binh-duong-da-cuc-4232451.html