Chàng trai Việt kể chuyện nấu súp trên mặt hồ sâu nhất thế giới

20:00' 04-09-2021
Hành trình khám phá hồ nước ngọt sâu nhất thế giới - Baikal (Siberia, Nga) để lại trong lòng du học sinh này nhiều ấn tượng khó quên.

 

"Ban đầu, nhìn cũng sợ lắm. Tôi không dám đặt chân xuống hồ vì sợ lớp băng tan ra. Tuy nhiên, khi nhìn những người khác thản nhiên đi bộ, chụp hình, tôi mới thấy đỡ sợ. Và thế là, sau bao lâu ấp ủ, tôi đã được cảm nhận mặt hồ Baikal băng giá vốn chỉ thấy trên TV", Nguyễn Công Nam, du học sinh tại Nga, hào hứng chia sẻ với Zing về chuyến đi hồ Baikal hồi đầu năm.
Câu cá, nấu súp trên hồ băng

Hồ Baikal vốn luôn nằm trong danh sách "phải tới" của Nam từ lâu. Khi có dịp du học tại Nga, chàng trai 24 tuổi không thể bỏ lỡ cơ hội tốt này. Chuyến du lịch hồ Baikal của Nam được thực hiện từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2. Sở dĩ, Nam chọn thời điểm này vì hồ Baikal sẽ đóng băng vào mùa đông, tạo nên cảnh tượng siêu thực khi nhìn xuống dưới đáy.

Nam xuất phát từ Moscow, bay qua tổng cộng 5 múi giờ để tới Irkutsk - thành phố lớn thứ 6 ở Siberia. Do hồ Baikal nằm giữa Irkutsk và Cộng hòa Buryatia, anh tiếp tục di chuyển về phía nam để tới điểm đến đã định.

 

"Một màu trắng xóa hiện lên trước mắt tôi. Xung quanh chỉ thấy băng tuyết bao phủ. Hôm đầu tiên tôi đến Baikal, tuyết rơi dày. Cả mặt hồ nhìn chẳng thấy gì ngoài tuyết. Thiên nhiên khắc nghiệt làm mình bỗng thấy bản thân thật nhỏ bé", Nam nhớ lại.

Du học sinh Việt này đứng lặng hồi lâu vì ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của hồ nước nổi tiếng. Đó là giây phút mà Nam đã chờ từ rất lâu. Tuy nhiên, chàng trai 24 tuổi vẫn sợ sệt không dám bước xuống mặt hồ. Trải nghiệm lần đầu đạp chân lên mặt băng khiến Nam "đứng hình" một hồi lâu. Phải tới khi nhìn những người xung quanh thoải mái bước đi, anh mới dám đặt chân xuống mặt hồ.

Nam bỗng thấy run người. Lần này, đó không phải cảm giác run lên vì sung sướng khi được đặt chân đến Baikal. Lạnh, cảm giác lạnh chạy dọc toàn thân khiến Nam thấy buốt dù đã mặc thêm vài lớp áo len cùng đôi găng tay "siêu dày".

Moscow vốn đã lạnh khi nhiệt độ mùa đông chạm mốc khoảng âm 15 độ C. Tuy nhiên, ở Irkutsk và những vùng lân cận, nó có thể xuống tới âm 35 độ C. Đứng trên mặt hồ đóng băng như Baikal, Nam thừa nhận chưa bao giờ thấy lạnh đến thế. Với một người đến từ xứ nhiệt đới như Việt Nam, anh phải mất một lúc lâu mới thích nghi được điều kiện thời tiết kiểu này.

Tạm chia tay hồ Baikal, Nam đến nhà Inotenki - một người địa phương - để lưu trú nhờ. Tới chiều, hai người cùng nhau quay lại hồ Baikal bằng ôtô. Xe lướt trên mặt hồ băng, tới gần giữa hồ thì dừng lại. Trước mặt Nam là khung cảnh anh chưa từng thấy trước đây: Những người đang câu cá giữa hồ băng.

"Nói chưa từng thấy cũng không đúng. Trước kia, tôi từng xem trên TV, thấy những người xứ lạnh khoan lỗ nhỏ giữa lớp băng để câu cá. Từ lỗ nhỏ, ánh sáng chiếu xuống, kích thích bầy cá đến đớp mồi. Được trải nghiệm tận tay, nhìn tận mắt mới thấy nó thú vị thế nào", Nam kể.

Inotenki đã quá thông thạo việc này. Anh khoan 4 lỗ, đặt 4 cần câu với dây rất dài. Mỗi khi có cá đớp, Nam ước chừng phải mất cỡ 200 sải tay để kéo cá lên mặt hồ. Cá cắn câu nhiều nên cả hai cứ tha hồ kéo dây. Ngay sau khi rời khỏi mặt nước, cá không còn vùng vẫy mà bị đông cứng lại do nhiệt độ ngoài trời và dưới nước chênh lệch quá lớn.

Hai người ngồi câu khoảng 2 giờ rồi rời đi. Do chưa thích nghi được với thời tiết, thỉnh thoảng, Nam lại thấy bị bỏng lạnh dưới chân. Inotenki gợi ý Nam nên quấn thêm 1-2 lớp tất chân và 1 lớp túi nylon bên trong giày, phòng trường hợp tuyết rơi vào, bị ngấm nước khó chịu.

Chiến lợi phẩm sau buổi đi câu là khoảng 12 con cá omul - loại cá hồi trắng Bắc Cực.

"Mùi cá tanh và thơm khá lạ. Cá này đem hun khói rồi nhắm với vodka cứ gọi là nhức nách. Tôi thấy có người còn dựng luôn bếp trên hồ băng. Họ nấu nồi súp cả nhóm cùng ăn cho ấm bụng. Nguyên liệu nhìn sơ qua có cà rốt, khoai tây, gia vị, nấu cùng cá omul mới câu. Nồi súp đơn giản thôi nhưng thưởng thức ở một khung cảnh như vậy thật không còn lời nào để tả", Nam chia sẻ.

Theo lời những người địa phương, đa số dân ở đây thích câu cá trên băng. Cứ rảnh, họ lại lập nhóm đi câu, làm sạch cá rồi nấu luôn tại chỗ. Cá thừa được đem tặng bạn bè hoặc đem bán. Omul là đặc sản của vùng này nhưng số lượng ngày một giảm. Do đó, chính quyền sẽ phạt nặng những người đánh bắt bằng bom, mìn hay điện với số tiền lên tới vài trăm nghìn RUB (cỡ hàng trăm triệu đồng). Người dân chỉ có thể đánh bắt bằng phương pháp thủ công như câu, đánh lưới...

Phần cá còn lại, Nam cùng Inotenki mang về hấp và đem ra chợ đổi lấy cá đã hun khói. Tối đó, cả hai ngồi nhắm cùng vodka và trò chuyện về các điểm du lịch xung quanh hồ Baikal. Ông chủ nhà thân thiện khuyên Nam nên dành thời gian đến đảo Olkhon - một nơi đáng thử với bất kỳ du khách nào ghé thăm hồ Baikal.

Du lịch một mình và những người bạn mới

Chuyến đi tới Baikal không phải lần đầu Nam đi du lịch một mình. Từ hồi còn ở Việt Nam, những chuyến độc hành đã luôn hấp dẫn anh. Theo Nam, dù du lịch một mình ở Việt Nam hay nước ngoài cũng đều có những xúc cảm đặc biệt bởi không nơi nào giống nơi nào. Tuy nhiên, nếu phải đặt lên bàn cân so sánh, Nam thấy khi du lịch một mình ở Việt Nam sẽ có cảm giác ấm áp hơn. Những chuyến độc hành khi ở nước ngoài lại đem đến nhiều sự kích thích hơn.

"Tôi cũng kiểu hòa đồng nên không gặp khó khăn để thích nghi với môi trường mới. Dù có điều kiện kinh tế, tôi vẫn thiên về du lịch khám phá hơn. Tuy nhiên, trong mỗi chuyến đi, tôi luôn muốn được kết nối với người địa phương để hiểu thêm về văn hóa nơi đó", Nam cho biết.

Hồi còn ở Việt Nam, chàng trai 24 tuổi này cũng từng độc hành trên chiếc xe máy từ Đà Nẵng vào TP.HCM, ghé qua 11 tỉnh thành vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Ở nước ngoài, du khách có thể tìm kiếm những gia đình địa phương để lưu trú qua một số cộng đồng như CouchSurfing. Theo Nam, việc ở cùng người địa phương tại nước ngoài dễ dàng hơn do hoạt động này không phổ biến ở Việt Nam lắm. Tuy nhiên, xu hướng homestay những năm gần đây giúp du khách Việt có thể tìm được chỗ nghỉ giá tốt và trải nghiệm gần gũi hơn.

Trong chuyến ghé thăm Baikal lạnh giá, Nam cũng "bỏ túi" thêm nhiều kỷ niệm với những người bạn ngoại quốc.

Sau khi chia tay Inotenki, Nam bắt xe sang thành phố Slyudyanka để tham quan một số nhà thờ. Ở đây, Nam gặp được một người đàn ông bản địa dễ mến. Sau khi giới thiệu là người Việt Nam, chàng trai này được ông dẫn đi tham quan nhà thờ và cả ngôi làng ông đã sinh ra.

"Chú ấy hô to với mọi người có khách Việt Nam đến này. Tôi vừa ngại lại vừa vui vì sự mến khách này. Sau đó, tôi xin tá túc nhà chú một đêm và được tiếp đón chu đáo. Chúng tôi nói về đủ thứ trong bữa nhậu tối đó, từ chính trị, lịch sử, tình hình dịch bệnh...

Tôi cũng kể họ nghe về Việt Nam và tặng mỗi người một lọ cao sao vàng. Đây là thứ tôi mang khá nhiều trong người để làm quà tặng dọc đường như món quà kỷ niệm", Nam nhớ lại.

Hay khi rời Slyudyanka về Irkusk để tới làng du lịch Listvyanka, Nam cũng có thêm những kỷ niệm vui với những sinh viên người Nga. Do không tìm được nơi nào cho tá túc, Nam đặt homestay tên Belki để nghỉ lại với giá tính ra chỉ khoảng 200.000 đồng/đêm.

Tại đây, anh gặp nhóm sinh viên vừa từ Olkhon trở về. Nhờ thế, chàng trai này có thêm kha khá kinh nghiệm cho điểm đến sắp tới. Nam cùng nhóm sinh viên nhanh chóng làm quen và rủ nhau đi chơi sáng hôm sau. Họ leo núi, trượt băng và ăn uống vui vẻ trước khi du học sinh này tiếp tục hành trình đến Olkhon.

"Chuyến ghé thăm Baikal là kỷ niệm đáng nhớ với tôi. Đó không chỉ là nơi tôi được hòa mình với thiên nhiên. Những con người hiếu khách và tử tế ở đây cũng khiến tôi ấn tượng. Nếu một lần đến Nga vào mùa đông, bạn chắc chắn nên dành thời gian để đến đây. Còn tôi, xin hẹn Baikal vào một ngày hè không xa...", Nam nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

SUPA VALU Vùng: Delahey. Phone: 9362 1207
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/chang-trai-viet-ke-chuyen-nau-sup-tren-mat-ho-sau-nhat-the-gioi-post1254083.html