Cha mẹ phải bỏ ngay 3 thói quen xấu sau đây nếu không muốn con mình lười nhác, ỷ lại
Chăm chỉ là một trong những đức tính cần được rèn luyện ở trẻ. Nếu một em bé có mục tiêu, cố gắng và nỗ lực hàng ngày sẽ dễ đạt được thành công hơn trong tương lai. Tuy nhiên, không ít phụ huynh than phiền con mình quá lười nhác, ỷ lại, thậm chí khi nhắc nhở còn tỏ ra chống đối.
Thế nhưng, nguyên nhân khiến trẻ lười biếng nhiều khi đến từ chính phương pháp giáo dục của cha mẹ. Khi thấy con không chủ động làm điều gì đó, cha mẹ - với tư cách là người thầy đầu tiên, lời nói và hành động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự trưởng thành và phát triển của con. Dưới đây là 3 thói quen xấu của cha mẹ âm thầm khiến con ỷ lại, lười nhác hơn mỗi ngày.
1. Hứa suông, thất hứa với con
Người lớn có thể hứa mỗi khi cảm thấy thích, nhưng với trẻ con, chúng luôn nhớ những điều bố mẹ đã hứa. "Làm bài đi rồi con sẽ được đi chơi", "Tự chơi đi con, tối mẹ đi làm về sẽ chơi với con", "Cuối tuần cả nhà mình sẽ đi siêu thị nếu con ngoan"... Ngay lập tức những lời nói này giúp trẻ tập trung vào điều mà con đang làm nhưng cuối cùng phụ huynh lại không thực hiện và cho rằng con sẽ không để tâm đến những lời nói suông đó.
Nếu hành vi này lặp đi lặp lại nhiều lần, theo thời gian trẻ sẽ cảm thấy lời nói của cha mẹ không còn uy tín, những lần sau sẽ làm mất lòng tin ở trẻ đối với cha mẹ. Kết quả là, trẻ xem lời nói của cha mẹ là vô giá trị, cho nên lời nói của cha mẹ không còn "sức nặng" để trẻ phải nể phục và nghe theo nữa.
2. Đe dọa, áp đặt và ra lệnh bắt con nghe theo
Việc quát mắng sẽ khiến con sợ và răm rắp nghe theo nhưng không làm bé phục. Nếu chỉ biết mắng con mà không kèm theo lời giải thích thì sớm muộn con sẽ không còn muốn lắng nghe bố mẹ nữa. Đặc biệt ở những độ tuổi khủng hoảng như lên 3, lên 5, trẻ muốn được đưa ra quan điểm, chính kiến riêng và mong muốn bố mẹ tin tưởng mình.
"Nếu không nghe lời thì mẹ không yêu con nữa", "nếu không làm ngay thì ra khỏi nhà"... Chính những lời nói vô tình trong lúc nóng giận như thế sẽ khiến trẻ nghĩ rằng bố mẹ không còn yêu thương mình và chúng không có cảm giác an toàn.
Cảm giác an toàn là nền tảng tạo nên sự tự giác, kỷ luật. Một đứa trẻ suốt ngày luôn mang tâm trạng bất an, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển tâm lý, tinh thần của trẻ.
3. Lúc nào cũng kè kè bên cạnh, làm hộ con mọi việc
Nhiều phụ huynh thường nghĩ rằng, con bé như vậy không biết làm. Hoặc để chúng làm thì còn bừa bộn hơn, thôi làm cố cho xong.
Suy nghĩ như vậy chẳng những bị đánh giá là thiển cận lại còn khiến con trở nên lười biếng, ỉ lại. Sau này con khó mà tự lập được. Chưa kể đứa trẻ đó sẽ lóng ngóng trong mọi công việc. Dần dần chúng sẽ hình thành tâm lý tự ti giữa đám đông.
Không ít phụ huynh bao bọc con cái quá mức. Không dám để cho con ra ngoài chơi vì sợ con ốm, sợ quần áo bẩn, sợ con bị ngã, gặp người xấu... Bên cạnh đó, mỗi khi con gặp rủi ro, tai nạn nhỏ như không bước được lên cầu thang, không dám đi trong bóng tối... cha mẹ cũng nhanh chóng chạy vào giúp đỡ bé.
Tuy nhiên trẻ cần vài lần vấp ngã, cần tự xử lý những khúc mắc bản thân đang gặp phải để chúng tự tin hơn, học được nhiều kĩ năng sống hơn và để không còn quá phụ thuộc vào cha mẹ.
Nếu chúng ta cứ mãi bao bọc con, chắc chắn tâm tư chúng sẽ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực: "Nếu tôi thất bại hay làm sai cái gì thì đã có bố mẹ hoặc người khác giải cứu giúp". Hành động này khiến trẻ dần mất đi tính tự chủ, tính trách nhiệm và trở thành người thích ỷ lại người khác.
Ai cũng muốn con mình năng động, giỏi giang, là điểm sáng trong đám đông. Nhưng ít bố mẹ nào nhận ra rằng, những hành vi này của mình lại khiến con trở nên nhút nhát.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/3-thoi-quen-xau-cua-cha-me-am-tham-bien-con-thanh-dua-tre-y-lai-luoi-nhac-hon-moi-ngay-20230720211358238.chn