Cha mẹ cần chuẩn bị những điều gì cho con khi bé sắp có em?

07:00' 10-05-2019
Quyết định đón thêm thành viên mới thì mẹ cần phải chuẩn bị tâm lý thật tốt cho bé lớn bằng những cách đơn giản và hiệu quả như thế này.

Có thêm con là một trong những quyết định quan trọng nhất cuộc đời người phụ nữ. Không chỉ những thói quen của mẹ bị thay đổi mà cuộc sống của cả gia đình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là bé lớn vẫn đang trong độ tuổi bám mẹ. Vậy làm thế nào để bé biết là mẹ vẫn yêu bé như ngày nào, và mẹ cần chuẩn bị những điều gì cho con lớn tránh khỏi cú sốc khi biết mình sắp không còn là tâm điểm chú ý của cả nhà nữa.

Mẹ cần chuẩn bị cho con lớn tránh khỏi cú sốc khi biết mình sắp không còn là tâm điểm chú ý của cả nhà nữa (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, cách mẹ cho bé biết sự xuất hiện của em bé trước khi ra đời sẽ làm bé sớm nhận ra rằng việc có thêm một đứa em là một niềm vui và hạnh phúc lớn lao. Mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi em bé mới chào đời bằng cách thông báo về việc sắp có em, sắp có người để chơi, người làm bạn... Nói cho trẻ hiểu về em bé, em còn nhỏ nên cần được chăm sóc nhiều để mau lớn, để em ngoan như con. Có như vậy mẹ đã có thể giải quyết một phần rắc rối và tránh những trận đại chiến không đáng có trong tương lai gần.

Những việc mẹ cần làm:

- Lựa chọn thời điểm để nói chuyện với bé lớn về việc mẹ đang mang thai – tức là có thêm em bé, nhưng không nên nói quá sớm. Lí do là trẻ còn chưa thực sự hiểu khái niệm về thời gian, vì vậy hãy đợi cho đến khi bụng mẹ thực sự to, dễ nhìn thấy thì hãy giải thích một cách dễ hiểu nhất cho bé về việc mẹ sắp sinh thêm em. Hãy dùng khái niệm đơn giản và trẻ dễ hiểu như đến gần Tết mẹ sẽ sinh em, thay vì nói tháng 1 hay tháng 2.

- Cho trẻ tiếp xúc với những em bé sơ sinh khác, lập cho trẻ thời gian biểu cố định để đến thăm hoặc cùng chơi với em bé của bạn mẹ hoặc người thân trong gia đình. Đây sẽ là dịp để trẻ làm quen với sự có mặt của em, học cách chia sẻ đồ chơi và chờ đến lượt.

Cho trẻ gặp gỡ, tiếp xúc với những em bé sơ sinh khác để trẻ làm quen với sự có mặt của em, học cách chia sẻ đồ chơi (Ảnh minh họa)

- Đọc sách, cho trẻ xem những hình ảnh về em bé sơ sinh, đồ dùng mà em bé sẽ cần. Sự tiếp xúc sớm này cũng giúp mẹ nhàn hơn sau này khi sinh xong, rất có thể con lớn sẽ là trợ thủ đắc lực cho mẹ trong việc trông nom và chăm sóc em nhỏ.

- Cho trẻ xem ảnh, video khi trẻ còn nhỏ, đưa ra các câu hỏi gợi ý chẳng hạn như: Sau này em con sẽ như thế nào nhỉ? – và giải thích việc làm sắp tới cho trẻ hiểu: Em bé sẽ khóc nhiều, và mẹ sẽ phải bế em, giống như mẹ đã bế con như hồi con còn bé xíu.

- Mẹ nên nhớ ngoài việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi sắp có thêm em, thì việc luôn củng cố tình yêu và niềm tin vào trẻ, rằng tình yêu bố mẹ dành cho con vẫn không thay đổi cũng rất quan trọng. Điều này giúp bé thêm vững tin và hạn chế sự ghen tị với em nhỏ sau này.

- Cho bé được sờ bụng mẹ, cảm nhận những cú đạp, gồng mình của em bé trong bụng. Khuyến khích và tạo cơ hội cho bé đọc sách, hát, nói chuyện với em bé ngay cả trước khi em chào đời.

- Đưa trẻ cùng đi mua sắm, chọn đồ cho em bé. Trẻ sẽ cảm thấy mình đang ở vị trí làm anh, làm chị và sẽ có trách nhiệm hơn em bé.

- Nhờ trẻ giúp trang trí phòng cho em bé sắp ra đời, trẻ cũng có thể giúp mẹ sắp xếp đồ dùng như bồn tắm cho em, đồ chơi mà em có thể dùng được.

Sự chuẩn bị kĩ càng sẽ giúp trẻ dần quen với sự có mặt của em nhỏ sau này (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý một số điều không nên nói hoặc ép trẻ như sau:

- Hỏi trẻ muốn em trai hay em gái: Đây là điều không nên nói với trẻ, vì sự thực là trẻ không có quyền và không được phép lựa chọn, trẻ dễ bị hụt hẫng nếu sự thật không như mong muốn. Mẹ hãy trung thực thông báo giới tính của em bé thay vì đưa ra câu hỏi mang tính lựa chọn không thực tế như vậy.

- Nói rằng em bé sẽ là người bạn cùng chơi với con: Trên thực tế, phải mất vài năm thì em bé mới có thể cùng chơi đùa với anh chị lớn. Trong thời gian đó, trẻ sẽ vẫn tự chơi một mình mà em chưa thể tham gia cùng.

(Ảnh minh họa)

- Ép trẻ vội vàng: Khi sắp sinh, một số mẹ ép trẻ phải vội vàng hoặc cấp tốc thực hiện một số kĩ năng để tự phục vụ bản thân trong lúc mẹ không thể chăm trẻ, chẳng hạn như việc đi bô. Nhưng mẹ cần hiểu rằng việc thúc ép chỉ khiến trẻ thêm sợ hãi, mệt mỏi và càng có cái nhìn không mấy thiện cảm với em bé – tác nhân khiến trẻ phải từ bỏ thói quen cũ một cách đột ngột như vậy.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

SUPA VALU Vùng: Delahey. Phone: 9362 1207
Xem thêm

Article sourced from AFAMILY.

Original source can be found here: http://afamily.vn/sap-sinh-them-em-be-cac-me-cung-dung-quen-chuan-bi-nhung-dieu-nay-cho-ca-con-lon-nua-20190507211453372.chn