Các nhà khoa học của Đại học Northwestern (Mỹ) tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn để so sánh mức độ trầm cảm, bất an của người dân trong những xã hội phương Tây và xã hội phương Đông. Nhóm nghiên cứu tới 29 nước thuộc Nam Mỹ, Đông Âu, Tây Âu, Nam Á, Đông Á, Nam Phi, Tây Phi để lấy ý kiến của hàng chục nghìn người dân về cuộc sống của họ. Kết quả cho thấy giữa quan niệm về cá nhân với mức độ thỏa mãn cuộc sống có một mối quan hệ tỷ lệ thuận. Xã hội nào càng coi trọng cá nhân thì mức độ trầm cảm của người dân càng cao. “Mối quan hệ giữa chủ nghĩa cá nhân và mức độ trầm cảm rất rõ ràng. Người dân sống trong những nước coi trọng chủ nghĩa cá nhân có mức độ lo lắng, trầm cảm cao hơn so với nước đề cao chủ nghĩa tập thể”, tiến sĩ Joan Chiao, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Northwestern, phát biểu.
Cuộc khảo sát cho thấy Anh đứng đầu trong danh sách những nước coi trọng chủ nghĩa cá nhân. Tiếp theo là Mỹ, Australia và các nước Tây Âu. Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định mức độ trầm cảm, lo lắng, chán nản của dân Anh cũng đứng đầu hành tinh. Chiao cho biết, tỷ lệ người mắc các bệnh thần kinh tại Trung Quốc – một đất nước có nền văn hóa coi trọng tập thể - thấp hơn rõ rệt so với các nước phương Tây như Anh, Mỹ.
“Người dân trong những nền văn hóa coi trọng chủ nghĩa cá nhân như Tây Âu, Mỹ có xu hướng đề cao những thứ độc đáo hơn sự hài hòa, coi trọng quan điểm cá nhân hơn ý kiến tập thể. Họ luôn muốn làm cho bản thân khác biệt với những người xung quanh bằng trang phục, hành vi, công việc và nhiều thứ khác. Ngược lại, người dân của những nền văn hóa coi trọng chủ nghĩa tập thể coi trọng sự hài hòa hơn sự khác biệt. Họ có xu hướng tán thành những hành vi làm tăng mức độ gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau trong cộng đồng. Rất ít người trong các nền văn hóa ấy muốn tỏ ra khác biệt so với những người xung quanh”, Chiao nhận xét.
Chiao tin rằng hai kiểu văn hóa khác nhau ấy tồn tại suốt mấy nghìn năm nhờ sự thích ứng của gene. Về mặt di truyền thì người phương Đông (theo văn hóa tập thể) dễ mắc các bệnh thần kinh hơn người phương Tây (coi trọng chủ nghĩa cá nhân). Do đó, theo bản năng thôi thúc họ xây dựng một lối sống có khả năng ngăn chặn các bệnh thần kinh. Trong khi đó, người phương Tây khó bị mắc các bệnh thần kinh hơn nên họ có thể chấp nhận lối sống giảm bớt sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các cá nhân trong xã hội.
Theo Telegraph, tỷ lệ người mắc hội chứng trầm cảm, lo lắng ở Anh là 10%, trong khi con số đó ở châu Âu là 8,3% và ở Trung Quốc là 4%. Nghiên cứu của nhóm Chiao được đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences.