Dữ liệu mới cho thấy, Trung Quốc đã tăng tốc mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ vào tháng trước. Nhưng nhìn chung, nước này vẫn kém xa so với cam kết mua khoảng 140 tỷ USD nông sản, năng lượng và hàng sản xuất của Mỹ trong năm nay, theo hiệp định được ký kết hồi đầu năm.

Tính đến ngày 30/9, Trung Quốc đã mua 58,8 tỷ USD hàng hóa Mỹ, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, dựa trên số liệu của Bộ Thương mại. Nếu tính theo thỏa thuận, giá trị giao dịch lẽ ra phải đạt 108 tỷ USD mới đạt được đúng tiến độ cam kết của cả năm.

"Chắc chắn Trung Quốc sẽ không đáp ứng được các cam kết", Scott Kennedy, Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, dự báo. Ông cho biết tất cả danh mục hàng hóa cần mua đều diễn biến không khả quan. Ông và các nhà kinh tế khác cho rằng, Covid-19 khiến nhu cầu nội địa của Trung Quốc sụt giảm cũng khiến việc mua hàng bị chậm lại.

Cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào tháng trước.

Khả quan nhất là nông sản, với doanh số đã được cải thiện qua từng năm. Các quan chức chính phủ Mỹ cho biết Trung Quốc đã mua hoặc cam kết mua khoảng 23 tỷ USD hàng nông sản, tương đương 71% mục tiêu cam kết. Doanh số bán ngô của Mỹ cho nước này đang ở mức cao nhất mọi thời đại, với 8,7 triệu tấn. Xuất khẩu thịt heo Mỹ sang Trung Quốc cũng đang ở mức kỷ lục.

Con số 23 tỷ USD bao gồm các hợp đồng mua bán trong tương lai vẫn chưa được hoàn thành. Về xuất khẩu thực tế, đến tháng 9, Mỹ đã xuất được 12,7 tỷ USD hàng nông sản đến Trung Quốc trong suốt tháng 9, so với mục tiêu cho năm 2020 là 33,4 tỷ USD.

Đối với hàng sản xuất, Mỹ đã xuất khẩu 40,2 tỷ USD so với mục tiêu 83,1 tỷ USD. Nhiều ngành đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng một trong những ngành hàng lớn nhất là xuất khẩu máy bay thì lại do cuộc khủng hoảng 737 MAX của Boeing.

Đối với lĩnh vực năng lượng, doanh số bán hàng cho Trung Quốc đặc biệt kém xa mục tiêu. Tính đến tháng 9, Mỹ đã xuất khẩu 5,9 tỷ USD so với mục tiêu 26,1 tỷ USD. Một phần nguyên nhân là giá năng lượng giảm vào đầu năm, đòi hỏi phải xuất khẩu được khối lượng lớn hơn.

Trong một hội nghị trực tuyến với các đại diện doanh nghiệp Mỹ ngày 19/10, các quan chức Trung Quốc cho biết nước này đã thực hiện một "khối lượng công việc lớn" để thúc đẩy thực hiện thỏa thuận thương mại và đã đạt được "tiến bộ tích cực" trong việc tăng nhập khẩu từ Mỹ.

Trong báo cáo mới đây, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) xác nhận thỏa thuận giai đoạn một đã thu được kết quả lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. "Kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Mỹ và Trung Quốc đã giải quyết vô số rào cản từng cản trở xuất khẩu thực phẩm và nông sản của Mỹ. Đến nay, Trung Quốc đã thực hiện ít nhất 50 trong số 57 cam kết kỹ thuật theo thỏa thuận giai đoạn một", báo cáo viết.

Một số quan chức Mỹ coi sự cải thiện trong thu mua nông sản là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thực sự nỗ lực trước nhu cầu giảm vì đại dịch. Tuy nhiên, các mục tiêu của hiệp định khó đạt được hơn. Thỏa thuận được ký vào ngày 15/1 kêu gọi tăng đáng kể tốc độ mua hàng vào năm 2021. Theo thỏa thuận thương mại, Trung Quốc đã đồng ý trong hai năm để mở rộng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD so với mức năm 2017.

Để đạt được mục tiêu đó, việc mua sắm của Trung Quốc năm sau vừa phải bù cho thiếu hụt năm nay vừa phải chạy kịp mục tiêu còn cao hơn. Cụ thể, các mục tiêu trong năm 2021 cho nông sản, năng lượng và hàng sản xuất cao hơn lần lượt 21%, 59% và 14% so với năm nay.

Năm tới có thể là cơ hội để đi đúng hướng, đặc biệt khi nhiều nhà dự báo kinh tế tin rằng Trung Quốc và Mỹ có thể tăng trưởng mạnh mẽ sau khi phục hồi từ đại dịch. "Đó là một thỏa thuận kéo dài hai năm và chúng ta cần xem điều gì sẽ xảy ra trong nửa đầu năm 2021", Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc của Mỹ cho biết.

Theo ông Allen, dù đến nay Trung Quốc vẫn chưa đạt được mục tiêu đã hứa, nhưng các biện pháp mở cửa thị trường trong thỏa thuận giai đoạn một đã mang lại hiệu quả, tạo ra tiến bộ trong các vấn đề mà lâu nay các công ty Mỹ phải đối mặt trong các lĩnh vực như ngân hàng và sở hữu trí tuệ.

Ví dụ, trong ngành dịch vụ tài chính, Bắc Kinh đã cho phép JPMorgan Chase & Co. và Citigroup thành lập các doanh nghiệp chứng khoán 100% vốn và chấp thuận cho American Express tham gia xử lý các giao dịch trong nước.

Trong một vụ kiện sở hữu trí tuệ mang tính bước ngoặt, New Balance, nhà sản xuất giày thể thao, đã được tuyên bồi thường thiệt hại tại một tòa án địa phương do các công ty Trung Quốc sử dụng logo của họ.

"Các hợp đồng mua bán là quan trọng nhưng chúng chỉ mang tính ngắn hạn và giao dịch. Những thứ khác này mang tính lâu dài", Allen đánh giá.

Mỹ và Trung Quốc đã chính thức thảo luận về việc giao thương hồi tháng 8. Trong một tuyên bố chung, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người dẫn đầu các cuộc đàm phán với Trung Quốc, nói rằng "cả hai bên đều thấy tiến triển và cam kết thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo sự thành công của thỏa thuận".

Tương lai của hiệp định thương mại có thể thay đổi tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11. Nếu ứng viên Joe Biden giành chiến thắng, ý nghĩa của thỏa thuận có thể suy giảm vì các đảng viên Dân chủ coi đây là một mục tiêu quá khích của Trump.

Biden cho biết sẽ làm việc với các đồng minh để thúc đẩy Trung Quốc tuân theo các quy tắc thương mại quốc tế nhưng chưa nêu chi tiết về chính sách này, bao gồm cả những việc phải làm với thỏa thuận thương mại mà Trump đã tạo ra.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/cam-ket-tang-mua-hang-my-cua-trung-quoc-kho-thanh-4182892.html