Cảm giác chết vì Covid-19
Nước Mỹ hiện tại đã vượt quá cột mốc đầy đau thương, với hơn 512.000 người chết vì đại dịch Covid-19. Nhưng đó chỉ là những con số thống kê. Đa số những người thiệt mạng đều ở trong phòng điều trị đặc biệt, phải cách ly để hạn chế lây lan, nên ít ai được chứng kiến khoảnh khắc cuối cùng ấy diễn ra như thế nào
"Những gì tôi được chứng kiến đằng sau tấm rèm không phải thứ công chúng được thấy," - Todd Rice, chuyên gia chăm sóc tích cực từ Trung tâm Y tế ĐH Vanderbilt chia sẻ. "Ngay cả người thân cũng chỉ nhìn thấy một chút thôi. Vậy nên có thể nói, thế giới đang được 'bảo vệ khỏi việc phải nhìn thấy những điều kinh hoàng nhất của dịch bệnh'."
Với tổng cộng gần 2,5 triệu người thiệt mạng (số liệu tính đến ngày 24/2), điều kinh hoàng ấy hẳn đã xảy ra rất nhiều lần. Vậy rốt cục thì khoảnh khắc ấy diễn ra như thế nào? Tạp chí Vox đã thực hiện một bài phỏng vấn cùng 4 bác sĩ từng chứng kiến hàng trăm người bệnh ra đi trong 11 tháng qua, và phần nào cho thấy được trải nghiệm đáng sợ của một nạn nhân tử vong vì Covid-19.
Một bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực (ICU)
Những lá phổi "đau như ong đốt" và cảm giác của "ngày tận thế"
Sự tra tấn của Covid-19 có thể bắt đầu trước khi người bệnh có triệu chứng đủ nặng để phải vào phòng chăm sóc tích cực (ICU).
Vì virus corona tấn công vào phổi, nó sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận oxy. Những bệnh nhân đi cấp cứu chủ yếu là do cảm thấy khó thở, tưởng như không hớp được chút không khí nào.
Khi phổi suy kiệt nặng hơn, người bệnh sẽ cảm thấy ngày càng khó để hít đủ oxy, nghĩa là họ sẽ phải thở nhanh hơn trước. Trung bình, một người bình thường thở 14 nhịp/phút, thì nay lên tới 30 - 40. Một trải nghiệm rất dễ gây hoảng loạn.
"Tưởng tượng nó giống như bạn hít thở qua một cái ống hút vậy," - trích lời Jess Mandel, trưởng khoa phổi tại ĐH California, San Diego. "Ừ thì, bạn có thể làm vậy khoảng 15 - 20s. Nhưng cứ thử trong 2 tiếng xem."
Và người bệnh có thể phải thở như vậy trong nhiều ngày, thậm chí là hàng tuần.
Kenneth Remmy, phó giáo sư khoa chăm sóc tích cực tại ĐH Y Washington cho biết, các bệnh nhân từng trải qua việc tiếp nhận oxy khó khăn chia sẻ với ông rằng, cảm giác giống như ngực và phổi có lửa đốt vậy, hoặc bị hàng ngàn con ong chích bên trong. Số khác bị tràn dịch phổi, nhiều đến mức cảm tưởng như đang thở qua một lớp bùn. Nhiều trường hợp khác thì cảm thấy ngột ngạt như có khói lửa xung quanh vậy.
Những trải nghiệm ấy nặng nề đến mức nhiều người chỉ mong mình chết đi. "Có những bệnh nhân nói 'tôi chỉ muốn chết vì quá khổ sở,'" - Remy cho biết. "Đó là những gì thứ virus này có thể làm."
Có một số bệnh nhân luôn cảm thấy cái chết đến gần, dù họ có làm gì. Rice cho biết trải nghiệm này phổ biến ở bệnh nhân mắc Covid-19 hơn với các bệnh khác mà ông từng điều trị. "Tôi thực sự tin là mình sẽ chết," - một bệnh nhân từng nói như vậy với Rice.
Meilinh Thi, một chuyên gia chăm sóc tích cực của Trung tâm Y tế ĐH Nebraska cũng chứng kiến điều tương tự. "Rất nhiều bệnh nhân, không kể tuổi tác, đã có chung cảm giác tuyệt vọng," - cô chia sẻ. Thi cho biết nhiều người bảo với cô rằng họ chỉ muốn chết. "Và đáng sợ thay, tất cả những ai nói vậy đều đã không qua khỏi."
Cô đơn cùng cực
Sự tra tấn của Covid-19 không chỉ với thể xác, mà còn về tinh thần. "Không chỉ khiến phổi của bạn bỏng rát hoặc đầu nhức như búa bổ, nó còn hủy hoại tinh thần của bạn nữa," - Remy nhận xét.
Trước hết, việc nhiễm Covid-19 đồng nghĩa với việc bệnh nhân gần như bị tách khỏi cuộc sống thường nhật. Đa số các ca tử vong diễn ra tại bệnh viện, nhưng số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy nhiều người qua đời tại nhà dưỡng lão (10%), hoặc ngay tại nhà (6%).
"Nhiều bệnh nhân bảo tôi rằng họ cảm thấy cực kỳ cô đơn," - Thi cho biết. Cô đơn dẫn đến tuyệt vọng và trầm cảm. Đáng sợ hơn nữa là khi ta nhiễm phải một căn bệnh mà bản thân hiểu rằng nó đã giết chết nhiều người khác nữa.
Những trải nghiệm ấy sẽ tích tụ dần qua thời gian. "Nghĩ xem, bạn phải ở trong bệnh viện nhiều tuần, thở thì gấp, lại không được gặp người thân - nó thực sự đáng sợ," - Remy chia sẻ.
Việc phải nằm trong phòng ICU - dù vì nguyên nhân gì - cũng làm tăng nguy cơ mê sảng của người bệnh. Đó là một trạng thái có thể dẫn đến lo lắng, sợ hãi và tức giận. Các loại thuốc an thần cũng là một phần của rủi ro này, nhưng bắt buộc phải dùng để giảm đau.
Và nếu phải nằm trong phòng ICU vì nhiễm Covid-19, rủi ro mê sảng còn lớn hơn nữa - ước tính lên tới 65%. Lý do là vì người bệnh luôn phải nhìn y bác sĩ chăm sóc mình bằng trang phục bảo hộ kín từ đầu đến chân, chỉ chừa đôi mắt lấp ló sau chiếc kính phòng hộ. Họ sẽ cảm thấy lạ lẫm, và điều này làm tăng nguy cơ mê sảng.
Hơn thế nữa, vấn đề lớn hơn còn nằm ở việc người thân sẽ không thể vào chăm sóc - điều đáng ra rất bình thường trong các phòng ICU thời kỳ tiền Covid.
"Nếu bố, mẹ hoặc người thân của bạn nằm viện, bạn sẽ muốn ở đó chăm sóc, động viên," - Remy chia sẻ. Nhưng với Covid-19, thời khắc cuối cùng bạn được gặp họ có thể là trước đó hàng tuần, thậm chí lâu hơn.
Đau đớn cả trong khâu điều trị
Nếu buộc phải vào phòng ICU, bệnh nhân sẽ được nối với đủ loại máy móc. Nhưng với người nhiễm Covid-19, trải nghiệm ấy sẽ còn đau đớn hơn nữa, vì bác sĩ buộc phải dùng rất nhiều biện pháp xâm lấn.
Covid-19 có thể khiến một người rơi vào tình trạng không thể tự thở kể cả khi được cấp oxy, đó là lúc họ phải dùng đến máy trợ thở (ventilator). Khi sử dụng cỗ máy này, đầu tiên bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc an thần, sau đó bác sĩ sẽ luồn một đường ống từ họng xuyên vào khí quản, để máy có thể bơm khí vào phổi.
Tình trạng này có thể phải duy trì vài ngày hoặc hàng tuần, trong khi bệnh nhân phải tiếp nhận rất nhiều thuốc an thần. Những người sống sót vì vậy mà thường không nhớ gì về trải nghiệm khi đó. "Cảm giác như mất đi một phần của cuộc đời vậy," - Thi cho biết.
Bản thân cỗ máy trợ thở cũng là một canh bạc. Chẳng hạn nếu máy bơm quá nhiều không khí, phổi sẽ bị tổn thương. Hơn nữa, ống thở chỉ an toàn trong vòng 2 - 3 tuần, sau đó sẽ dần hư hại. Đến lúc này, các bác sĩ sẽ phải luồn ống qua cổ bằng thủ thuật phẫu thuật mở khí quản, để máy tiếp cục vận hành.
Với một số trường hợp, máy thở cũng không giúp họ gom đủ oxy, buộc phải can thiệp ECMO (máy tim phổi nhân tạo). Hiểu đơn giản, cỗ máy sẽ bơm máu ra khỏi cơ thể, lưu thông qua máy để cấp oxy, sau đó truyền lại. Và để làm được, người bệnh sẽ bị cắm 2 chiếc ống lớn vào động mạch, nhằm giúp quá trình chuyển máu được nhanh hơn.
Bệnh nhân cũng sẽ được đặt ở tư thế nằm sấp, để giúp không khí lưu thông tốt hơn. Thủ thuật này đòi hỏi phải sử dụng một lượng lớn thuốc an thần để khiến bệnh nhân tê dại, không thể cử động.
Một lượng lớn người bệnh triệu chứng nặng có thể bị suy thận. Để ngăn tình trạng này, các phòng ICU còn lắp đặt cả máy lọc máu. Nhưng quy trình lọc máu sẽ gây buồn nôn, chuột rút, ngứa ngáy. Lại thêm một đường ống lớn nữa được xuyên vào động mạch, để rút máu ra.
Vẫn chưa hết đâu! Người bệnh còn phải nhận một ống thông tĩnh mạch để truyền thuốc, một ống khác nối với tim để kiểm tra khả năng phục hồi (hoặc qua đời). Ngoài ra còn ống thông tiểu, ống thông ruột, ống truyền nước, ống truyền dinh dưỡng...
Toàn bộ các đường ống xâm lấn này chỉ để nhằm mục đích giữ lấy tính mạng cho bệnh nhân, để cơ thể chống lại virus và phục hồi. "Nó giống như một cuộc đua vậy," - Mandel nhận xét.
Nhưng thậm chí ngay cả khi làm tất cả mọi thứ, các bác sĩ cũng không thể níu giữ tính mạng người bệnh. 1,8% số người nhiễm được xác nhận tại Mỹ, thật không may, đã mãi mãi ra đi.
Thời khắc cuối cùng
Remy cho biết, khi đã đến giai đoạn phải dùng đến máy trợ thở, khả năng sống sót của bệnh nhân chỉ rơi vào khoảng 40 - 60%. Một tỉ lệ chẳng khác nào tung đồng xu.
Remy nhớ lại một tuần lễ đặc biệt khó khăn trong đợt dịch mùa thu năm ngoái, khi ông phải chăm sóc một lượng lớn bệnh nhân 40 - 50 tuổi. Tất cả đều đã qua đời. Đa số mắc béo phì, nhưng số còn lại thì khỏe mạnh. Họ nhiễm bệnh vì không chịu đeo khẩu trang.
"Một bệnh nhân nhấn mạnh với tôi trước khi đặt ống thở 'Hãy để tất cả mọi người biết chứng bệnh này là thật. Phổi của tôi đang bỏng rát, như bị ong đốt vậy. Tôi không thể thở. Hãy để họ biết, để họ phải đeo khẩu trang."
Sau khi bệnh nhân ấy qua đời, Remy đã làm một video cảnh báo, đăng tải trên Twitter cá nhân.
Nếu diễn biến bệnh khá chậm, các bệnh viện có thể sắp xếp để người bệnh nói chuyện với người thân trước khi đặt máy. Bởi sau khi luồn ống, họ sẽ không đủ tỉnh táo để nói chuyện nữa, hoặc có thể mãi mãi ra đi. Vậy nên, người cuối cùng bệnh nhân nhìn thấy trước khi mất ý thức thường là nhân viên y tế.
Bất chấp lệnh cách ly nghiêm ngặt, các bệnh viện luôn muốn "đảm bảo bệnh nhân không phải ra đi trong cô độc," - Thi chia sẻ. Các bác sĩ sẽ ở cạnh bệnh nhân, hoặc thực hiện thủ thuật hồi sức tim phổi, hoặc chỉ ở đó để nói lời vĩnh biệt.
Những trường hợp đang hấp hối, thân nhân (trong trang phục bảo hộ) sẽ được vào (điều vốn là không thể khi đại dịch mới bắt đầu). Tuy nhiên, họ vẫn phải đứng từ xa mà thôi. Bởi lẽ, nạn nhân dù có dùng thuốc an thần vẫn có thể ho và bắn virus vào không khí trong quá trình rút ống thở.
Hơn thế nữa, các bác sĩ mô tả cái chết vì Covid-19 thực sự là rất tồi tệ. "Covid-19 rất khác," - Thi nhận định. "Tôi không nghĩ có thứ gì so sánh được với nó."
Remy đồng tình. Sau khi từng chứng kiến những người hấp hối vì nhiều chứng bệnh truyền nhiễm khác, ông chia sẻ: "Tôi không biết có chứng bệnh nào tàn phá cả cơ thể lẫn tinh thần như vậy." Có lẽ đó là lý do vì sao các bệnh nhân của ông trở nên rất tuyệt vọng trước khi đặt máy thở, khẩn khoản cầu xin mọi người hãy đeo khẩu trang và xem virus là mối nguy thực sự.
Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: https://kenh14.vn/cam-giac-cua-nguoi-chet-vi-covid-19-la-nhu-the-nao-chi-2-chu-kinh-hoang-theo-trai-nghiem-cua-cac-bac-si-tri-benh-20210224215805205.chn