Cách ứng phó trái ngược ở các nước về biến thể Delta
Biến chủng Delta đã lây lan sang 132 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong lúc đại dịch Covid-19 nói chung đã tước đi sinh mạng của hơn 4 triệu người và chưa có dấu hiệu kết thúc, theo AFP.
“Delta là một lời cảnh báo: Nó là lời cảnh báo rằng virus đang tiến hóa, nhưng nó cũng là lời kêu gọi chúng ta cần hành động ngay lập tức trước khi các biến chủng nguy hiểm khác xuất hiện”, Giám đốc về tình trạng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan trả lời phóng viên.
Biến chủng Delta dễ lây lan đang khiến dịch bùng phát trở lại ở một số nơi trên thế giới. Ảnh: Reuters. |
Dẫu có vaccine, dịch vẫn bùng mạnh
Dịch ở Trung Quốc lúc này đang ở mức nghiêm trọng nhất trong nhiều tháng qua và đã lan ra 14 tỉnh. Điều này thách thức thành công bước đầu của Trung Quốc trong công tác chống Covid-19, đại dịch lần đầu được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Hơn 1 triệu người Trung Quốc đang sống dưới lệnh phong tỏa. Chính phủ một số nơi tiếp tục tổ chức xét nghiệm tầm soát diện rộng.
“Biến chủng chính đang lan truyền là Delta - biến chủng đặt ra thách thức lớn hơn cho công tác phòng tránh và kiểm soát virus”, Mễ Phong, phát ngôn viên Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nói.
Người dân thành phố Nam Kinh, Trung Quốc xếp hàng chờ tới lượt xét nghiệm, sau khi nơi đây bất ngờ xuất hiện các ca nhiễm cộng đồng. Ảnh: China Out. |
Tại Australia, Brisbane - thành phố lớn thứ 3 nước - cùng các khu vực khác trong bang Queensland đã phải phong tỏa chớp nhoáng sau khi xuất hiện 6 ca mắc mới.
“Cách duy nhất đánh bại chủng Delta là hành động nhanh chóng và quyết liệt”, Phó thủ hiến bang Queensland Steven Miles nói khi thông báo lệnh yêu cầu ở trong ba ngày áp dụng với nhiều triệu người dân.
Tại Pháp, chính quyền áp lệnh giới nghiêm và phong tỏa trong nhiều tháng rồi bắt đầu chuyển sang mở cửa một phần bằng cách ứng dụng “thẻ sức khỏe” vào tháng 7.
Theo quy định về thẻ sức khỏe, chỉ người nào có giấy tờ chứng minh mình đã tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với virus corona mới có thể được vào quán café, nhà hàng, và các địa điểm văn hóa.
Quy định nói trên và các biện pháp chống dịch nói chung khiến một số người dân Pháp không bằng lòng. Một số người đã xuống đường biểu tình phản đối.
Dù vậy, nhà chức trách Pháp vẫn phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế chống dịch ở một số lãnh thổ hải ngoại có số ca mắc đang tăng nhanh như đảo Martinique, đảo Reunion, và Polynesia thuộc Pháp.
Gỡ phong tỏa dù ca mắc vẫn cao
Trái lại, Bangladesh nới lỏng các biện pháp hạn chế, bất chấp số ca mắc đang tăng do Delta. Quyết định này khiến hàng trăm nghìn lao động trong ngành dệt vội vã quay trở lại thành phố lớn, sau khi chính quyền thông báo các nhà máy xuất khẩu có thể mở cửa trở lại từ ngày 1/8.
“Cảnh sát chặn chúng tôi lại ở nhiều chốt kiểm tra, các con phà chật kín người”, Mohammad Masum, 25 tuổi, nói. Anh đã khởi hành từ trước khi trời sáng và đi bộ hơn 30 km tới bến phà.
Ngày 31/7, người dân Bangladesh lũ lượt trở về các thành phố lớn sau khi chính quyền thông báo các nhà máy xuất khẩu có thể mở cửa trở lại từ ngày 1/8. Ảnh: AFP. |
Tại châu Phi, số ca tử vong vì Covid-19 trung bình là 1.000 trường hợp mỗi ngày trong một tuần qua. Con số này cao hơn 17% so với tuần trước và là mức cao nhất được ghi nhận kể từ đầu đại dịch.
Nhưng theo WHO, số ca tử vong nói trên chưa được ghi nhận đúng mức, cũng như một số nơi khác trên thế giới.
Ngày 27/7, Rwanda thông báo gỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thủ đô Kigali và 8 quận khác, dù số ca mắc Covid-19 vẫn đang tăng. Quy định gỡ phong tỏa có hiệu lực từ ngày 1/8 tới ngày 15/8, tuy nhiên lệnh giới nghiêm từ hoàng hôn hôm trước tới bình minh hôm sau vẫn có hiệu lực.
Ngoài ra, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng vẫn bị cấm, trường học và nhà thờ cũng vẫn phải đóng cửa, nhưng đám cưới được phép diễn ra với tối đa 10 khách tham dự.
Ngày 29/7, Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, được nhận lô vaccine thứ hai Johnson & Johnson do Mỹ quyên tặng qua cơ chế COVAX, nâng tổng số vaccine nước này nhận từ Mỹ lên 302.400 liều.
Cuộc chiến đã thay đổi
Mỹ từng là quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng tiêm chủng vào tháng 4. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng bắt đầu sụt giảm khi sắp đạt đến khả năng miễn dịch cộng đồng.
Tại các bang miền Nam, chưa đến 50% dân số được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Dữ liệu của Our World in Data cho thấy khoảng 49% người Mỹ được tiêm đủ 2 liều vaccine.
Đúng lúc này, biến chủng Delta trở thành biến chủng thống trị ở Mỹ. Ngày 30/7, bang Florida ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ đầu đại dịch với 21.683 trường hợp, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 31/7.
Người dân xếp hàng trên ôtô chờ tới lượt xét nghiệm tại bang Florida. Ảnh: AP. |
Số ca nhiễm tăng đột biến hôm 30/7 được ghi nhận giữa lúc Florida đang nổi lên là tâm dịch mới của Covid-19 ở Mỹ. Các ca bệnh mới hàng ngày ở bang này đang chiếm 20% tổng số ca trên toàn nước Mỹ.
Hàng triệu người Mỹ có thể trở thành người vô gia cư từ ngày 1/8, thời điểm lệnh cấm đuổi người thuê nhà trên quy mô toàn quốc hết hiệu lực.
Tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng kêu gọi quốc hội gia hạn lệnh cấm trên, sau khi Tòa Tối cao Mỹ ra phán quyết quy định Nhà Trắng không có thẩm quyền trong vấn đề này.
Nhưng tại Thượng viện, thành viên đảng Cộng hòa phản đối việc đảng Dân chủ muốn kéo dài lệnh cấm trên giữa tháng 10. Hạ viện cũng đã bế mạc trong kỳ nghỉ hè. Trong khi đó, dự luật ở Mỹ thường cần được cả Thượng viện và Hạ viện tán thành trước khi có hiệu lực.
Một phân tích mới đây của CDC Mỹ cho thấy người tiêm chủng đầy đủ khi bị biến chủng Delta xâm nhập vẫn có thể dễ dàng lây lan virus như người chưa tiêm chủng.
Tuy tiêm chủng vẫn giúp tránh người dân bị Covid-19 thể nặng và tử vong, CDC Mỹ cho rằng Delta đã khiến “cuộc chiến thay đổi”, theo tài liệu nội bộ bị rò rỉ ngày 26/7 của cơ quan này.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/mot-bien-chung-delta-hai-buc-tranh-trai-nguoc-o-cac-nuoc-post1245956.html