Cách Nga phản ứng khi Mỹ 'cởi trói' vũ khí cho Ukraine

10:00' 11-06-2024
Ông Putin dọa chuyển vũ khí cho các đồng minh, đối tác để tập kích phương Tây, nhằm tăng mức độ răn đe khi Mỹ nới hạn chế cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga.

"Nếu phương Tây cho rằng có thể cung cấp vũ khí tầm xa tới chiến trường Ukraine để tiến hành các cuộc tập kích vào lãnh thổ Nga, tại sao chúng tôi không có quyền gửi những thứ tương tự tới một số vùng lãnh thổ, nơi chúng có thể được dùng để tập kích cơ sở nhạy cảm của họ", Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/6 tuyên bố bên lề diễn đàn kinh tế ở St. Petersburg.

Nga từ lâu phản đối việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine và nhiều lần đe dọa có động thái đáp trả hành động của Mỹ cùng đồng minh. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ông Putin công khai đề cập phương án cung cấp vũ khí cho các đồng minh, đối tác của Nga để tấn công lợi ích của phương Tây.

Lời đe dọa được tung ra trong bối cảnh Mỹ và đồng minh gần đây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa mà phương Tây cung cấp để tập kích mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga, nhằm đối phó chiến dịch tấn công ở Kharkov.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi với đại diện các hãng thông tấn quốc tế tại thành phố St. Petersburg ngày 5/6. Ảnh: Reuters

Một ngày sau tuyên bố của ông Putin, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Moskva sẽ khiến Washington và đồng minh nếm trải cảm giác "cơ sở hạ tầng nhạy cảm" bị các nước sử dụng vũ khí Nga tấn công.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày lên tiếng khẳng định "việc cung cấp vũ khí tập kích lãnh thổ của chúng tôi không thể không có hậu quả và những hậu quả đó chắc chắn sẽ xảy ra".

Dani Nedal, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto ở Canada, lưu ý rằng lời đe dọa của ông Putin khá mơ hồ, khi không nêu cụ thể Nga có thể chuyển vũ khí tầm xa cho những đồng minh, đối tác nào. Belarus, đồng minh hàng đầu của Nga, đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật do Nga cung cấp. Các địa điểm tiềm năng khác như Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đều có chương trình tên lửa riêng và không cần nguồn cung từ nơi khác, theo ông Nedal.

Do đó, chuyên gia này cho rằng tuyên bố của ông Putin không thực sự là mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng lưu ý đây là lời cảnh báo từ lãnh đạo Nga gửi tới phương Tây.

Một số chuyên gia khác nhận định tuyên bố của ông chủ Điện Kremlin chứa đựng thông điệp mang tính đe dọa hơn. Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao về Nga tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế ở Bỉ, cho rằng điều này thể hiện sự thay đổi trong giọng điệu của Moskva.

"Moskva từng chỉ nói sẽ phá hủy vũ khí phương Tây nếu chúng được gửi tới Ukraine. Song giờ ông Putin nói Nga sẽ tung đòn trả đũa vào chính các nước phương Tây. Đây là thay đổi đáng kể, cho thấy xung đột ở Ukraine đang trên đà leo thang", Ignatov nói.

Trong bình luận ngày 6/6, ông Medvedev cũng khẳng định những tuyên bố của Tổng thống Putin cho thấy "sự thay đổi rất đáng kể" trong chính sách đối ngoại của Nga.

Ông Neal cho rằng việc theo dõi các thông điệp của giới chức Nga trong những ngày tới "sẽ rất hữu ích và cần thiết".

Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cho biết ông tin thông điệp từ Moskva "đang được phương Tây lắng nghe". Khi được hỏi về bình luận mới của ông Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington chỉ ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ một cách hạn chế.

"Chúng tôi không cung cấp vũ khí để họ tấn công Moskva, tấn công Điện Kremlin. Mục tiêu chỉ là ngay bên kia biên giới, nơi hỏa lực từ Nga đang được sử dụng để tập kích vào Ukraine", ông Biden nói.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng lời đe dọa mới của Nga không có nghĩa Moskva sẽ thực sự cung cấp vũ khí cho các quốc gia khác để tập kích hạ tầng phương Tây.

"Người Nga đang bất bình, điều có thể ảnh hưởng đến phán đoán của họ với ý định của phương Tây, nhưng tôi thực sự khó có thể tưởng tượng họ sẽ làm điều gì mạnh hơn những gì đang làm", Stephen Sestanovich, cựu đại sứ Mỹ ở khu vực Liên Xô cũ năm 1997-2001, nhận định.

Sestanovich nhấn mạnh lời đe dọa cung cấp vũ khí cho quốc gia khác để làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ "chỉ là sự thay thế cho thông điệp leo thang căng thẳng hạt nhân mà Nga thường đề cập thời gian qua".

Nga vẫn tiếp tục đưa ra những cảnh báo về hạt nhân tại St. Petersburg, khi Tổng thống Putin tái khẳng định rằng Moskva sẵn sàng sử dụng loại vũ khí đáng sợ này nếu phải đối mặt mối đe dọa với chủ quyền Nga.

"Vì lý do nào đó, phương Tây tin rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi có học thuyết hạt nhân. Nếu hành động của ai đó đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Nga, chúng tôi có thể áp dụng mọi biện pháp theo ý mình. Không nên xem nhẹ vấn đề này", ông Putin nói.

Pháo binh Ukraine khai hỏa ở Kharkov ngày 21/4. Ảnh: AFP

Những tuyên bố như vậy đã trở nên phổ biến kể từ những ngày đầu xung đột Ukraine. Trong ngày đầu tiên phát động chiến dịch, ông Putin từng cảnh báo "bất kỳ ai cố gắng cản trở chúng tôi, đe dọa đất nước và người dân của chúng tôi nên biết rằng Nga sẽ có phản ứng ngay lập tức và khiến họ phải đối mặt với những hậu quả chưa từng có".

Song hơn hai năm xung đột, sức nặng của những lời đe dọa như vậy đang giảm dần, theo giới quan sát. Đối với nhiều người Ukraine, ông Putin không cho họ thấy phương Tây cần phải hạn chế hành động.

"Tôi đã nghe thấy những thông điệp đe dọa về leo thang hạt nhân từ ngày đầu tiên. Đầu tiên là nếu Ukraine nhận được tiêm kích MiG từ Ba Lan, Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Sau đó là pháo HIMARS, tên lửa Patriot và xe tăng, nhưng thông điệp của Nga chỉ là đe dọa", Oleksandra Ustinova, thành viên quốc hội Ukraine kiêm chủ tịch ủy ban giám sát nguồn viện trợ vũ khí, nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Nhà hàng?

Sandown Greyhounds Racing Club Vùng: Springvale. Phone: 9548 3655
Xem thêm

Đêm hội đua chó Melbourne Cup, Thứ Sáu 29/11/2019. Vào cửa miễn phí, có bắn pháo bông và cơ hội trúng 1 triệu đô tiền mặt.


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/thong-diep-cua-ong-putin-khi-doa-cap-vu-khi-cho-dong-minh-tap-kich-phuong-tay-4755443.html