Cách duy trì sự tỉnh táo khi lái xe vào ban đêm
Trước mỗi chuyến đi người lái nên biết cách để duy trì sự tỉnh táo khi ngồi sau vô lăng xe
Lái xe ban đêm được xem là thử thách không chỉ với “tài mới” mà ngay cả “lái già” đã có nhiều năm kinh nghiệm, do cơ thể dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ. Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, số vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm, từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau thường lớn hơn gấp 2 - 3 lần so với ban ngày. Trong khi đó, theo Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), có đến 40 - 50% vụ tai nạn giao thông tại Mỹ xảy ra vào ban đêm.
Buồn ngủ khi đang lái xe rất dễ dẫn đến tai nạn
Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn xe vào ban đêm một phần xuất phát từ trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ của người lái. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người xuy quanh, trước mỗi chuyến đi tài xế nên nắm rõ những mẹo nhỏ dưới đây để duy trì sự tỉnh táo, chống buồn ngủ khi ngồi sau vô lăng xe:
1. Chợp mắt trước khi lên đường
Một giấc ngủ trước khi “ôm vô lăng” lên đường sẽ mang lại cho bạn nguồn năng lượng dồi dào để lái xe trên quãng đường dài. Vì vậy, nếu đã “sắm vai tài xế” trong chuyến hành trình vào ban đêm, bạn nên tranh thủ thời gian chợp mắt từ 15 - 20 phút trước khi xuất phát.
2. Uống vitamin
Theo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, Vitamin B, C sẽ góp phần cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vì vậy, uống một viên Vitamin sau bữa ăn sẽ giúp bạn tỉnh táo để lái xe trong suốt hành trình. Chú ý, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại vitamin. Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, có cồn trước khi lái xe.
3. Chuẩn bị đồ uống, thức ăn nhẹ
Việc lái xe vào ban đêm dễ làm cơ thể mệt mỏi, mất nhiều năng lượng dẫn tới những cơn buồn ngủ. Vì vậy, trước khi lên đường, bạn nên chuẩn bị sẵn một ít đồ uống như trà, cà phê… các loại thức ăn nhẹ trên xe và sử dụng khi cần thiết. Theo Wikihow, các loại thức ăn nhẹ dưới 100 calo sẽ cung cấp vùa đủ chất dinh dưỡng, giúp cơ thể tỉnh táo khi lái xe. Không nên sử dụng các loại đồ ăn chứa nhiều chất béo, muối, đường… sẽ dễ làm cho lái xe cảm thấy đầy bụng, mệt mỏi.
4. Uống cà phê, nước lọc, nhai kẹo cao su để duy trì sự tỉnh táo
Trong quá trình lái xe, khi cơ thể cảm thấy có dấu hiệu buồn ngủ lái xe nên uống một chút cà phê hoặc nước lọc… Điều này sẽ giúp bạn luôn duy trì được trạng thái tỉnh táo để tiếp tục lái xe. Ngoài ra, khi cảm thấy buồn ngủ nên nhai một ít kẹo cao su để duy trì sự hoạt động của cơ thể, qua đó giúp não bộ quên đi cảm giác thèm ngủ, buồn ngủ, giúp bạn luôn tỉnh táo để tập trung vào việc lái xe.
5. Nghe nhạc, các kênh radio…
Hầu hết các loại xe hiện nay đều được trang bị hệ thống giải trí kết nối USB, Radio… Để tránh những cơn buồn ngủ khi lái xe, tài xế nên sử dụng những tính năng này. Nên nghe một số bản nhạc sôi động, mở âm lượng loa đủ lớn để luôn đánh thức bạn. Thỉnh thoảng nên chuyển đổi giữa các chương trình giải trí, các kênh radio… Điều này sẽ thu hút sự chú ý, giúp bạn tránh cơn buồn ngủ.
6. Thỉnh thoảng hạ cửa sổ
Cảm giác mát lạnh có thể giúp bạn tỉnh táo, tránh cơn buồn ngủ. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy mở cửa kính để luồng không khí bên ngoài thổi vào xe trong vài phút. Ngoài việc tạo cảm giác làm mát, nó sẽ tạo ra rất tiếng ồn xung quanh giúp bạn tỉnh táo hơn.
7. Dừng xe nghỉ ngơi khi cảm thấy buồn ngủ
Trong quá trình lái xe nếu cảm thấy cơ thể quá mệt mỏi, luôn trong trạng thái buồn ngủ tài xế không nên cố gắng tiếp tục điều khiển xe. Thay vào đó, nên đỗ xe vào nơi an toàn, chợp mắt một lát cho tỉnh táo. Nên mang theo bảng báo hiệu có phản quang để sử dụng trong trường hợp phải đỗ xe bên đường. Trước khi tiếp tục lên đường nên mở cửa bước ra bên ngoài, thực hiện một vài động tác giúp lưu thông máu và tâm trí trở nên tỉnh táo rồi mới lái xe tiếp.
Ngoài những mẹo vặt kể trên, một số phương pháp như trò chuyện với người đi cùng, hát theo các bản nhạc từ hệ thống giải trí, hay một số hoạt động nhỏ khi lái xe nhằm kích thích hoạt động trí óc... cũng được các tài xế có kinh nghiệm sử dụng để duy trì sự tỉnh táo, chống buồn ngủ khi lái xe vào ban đêm.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2269294