Các đập Trung Quốc giữ nước sông Mekong

22:00' 11-05-2020
Từ năm 2012, các đập thủy điện Trung Quốc giữ ngày càng nhiều nước, làm hạ lưu sông Mekong khô hạn hơn.

Hệ thống đập nước của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong đã gây ra tình trạng hạn hán kỷ lục ở hạ lưu vào năm ngoái, nhưng Bắc Kinh đổ lỗi cho lượng mưa thấp.

Một nghiên cứu ở Mỹ mới đây hé lộ thêm về đợt khô hạn bất thường vào mùa mưa năm ngoái ở hạ lưu sông Mekong, khiến mực nước xuống thấp kỷ lục vào tháng 7/2019.

Các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, bao gồm đã vận hành (đen), lên kế hoạch (trắng). Ảnh: Viện Stimson.

Trong thời gian đó, ngay cả khi ở hạ lưu khô hạn, thượng nguồn sông Mekong vẫn có dòng chảy lớn. Nhưng các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại lượng nước cao kỷ lục, đến mức mực nước tại Thái Lan không hề tăng trong cả 6 tháng mùa mưa 2019.

Ngày 7/5, các nhà nghiên cứu đã có buổi họp báo để phân tích thêm. Họ cho biết dòng chảy ở hạ lưu đã trở nên bất thường từ 2012, năm hoàn thành đập thủy điện lớn nhất của Trung Quốc, ảnh hưởng hệ sinh thái và sinh kế ở hạ lưu.

Phát hiện của nhóm xác nhận điều mà một số bên đã nghi ngờ từ trước về các đập thủy điện Trung Quốc.

Họ cũng kêu gọi Trung Quốc minh bạch về dữ liệu giữ nước, xả nước ở các đập thượng nguồn, vốn đang bị giữ kín “như hộp đen”.

Các đập Trung Quốc giữ lượng nước kỷ lục

Các nhà nghiên cứu của Eyes on Earth, tổ chức chuyên tư vấn về nước, dùng dữ liệu độ ẩm ở thượng nguồn, đo được nhờ vệ tinh, để mô phỏng mực nước “tự nhiên” khi xuống tới hạ lưu - tức mực nước nếu không có sự can thiệp nào đến dòng chảy, chẳng hạn đập thủy điện ở thượng nguồn.

Độ ẩm ở thượng nguồn sẽ là do các yếu tố như mưa và tuyết tan.

Đường màu xanh là mực nước “tự nhiên” ở dưới hạ lưu, nếu không có sự can thiệp của các đập thủy điện ở thượng nguồn. Ảnh: Viện Stimson.

Mực nước “tự nhiên” theo mô phỏng sẽ được so sánh với mực nước thực tế ở trạm đo của Ủy hội sông Mekong (MRC) ở Chiang Saen, Thái Lan. Đây là trạm xa nhất ở hạ lưu đi lên phía thượng nguồn, gần với biên giới Trung Quốc.

Nhóm nghiên cứu sẽ xem mực nước thực tế khác đi bao nhiêu so với mực nước “tự nhiên”, nhờ đó xác định tác động của các đập thủy điện Trung Quốc lên dòng chảy ở hạ lưu, vào một thời điểm nhất định.

Với dữ liệu từ năm 1992 đến 2012, mực nước “tự nhiên” theo mô phỏng và mực nước thực tế ở trạm Chiang Saen khá trùng khớp, cho thấy tính chính xác của mô hình. Cả hai mực nước “tự nhiên” và thực tế đều lên đỉnh rồi xuống đáy theo mùa mưa - mùa khô.

So với đường màu vàng là mực nước thực tế, mực nước “tự nhiên” theo mô phỏng (đường màu xanh) khá trùng khớp, đối với dữ liệu 1992-2012. Ảnh: Viện Stimson.

Nhưng từ năm 2012, mực nước thực tế lên xuống bất thường hơn, nhiều giai đoạn lên xuống không theo mùa mưa - mùa khô, và cũng không dao động lớn như mực nước “tự nhiên”.

Đáng chú ý, từ năm 2012, mực nước thực tế cao nhất vào mỗi mùa mưa (từ khoảng tháng 5) đều thấp hơn đáng kể so với mực nước “tự nhiên” lúc đó (cũng đang ở đỉnh).

Nói cách khác, trong 8 năm qua, vào mỗi mùa mưa, hạ lưu sông Mekong nhìn chung đã khô hạn hơn so với nếu không có các đập Trung Quốc.

Từ 2012, mực nước thực tế (màu vàng) thường thấp hơn mực nước “tự nhiên” theo mô phỏng vào mỗi mùa mưa. Khoảng đậm là lượng nước giữ lại, khoảng nhạt là lượng nước xả ra. Ảnh: Viện Stimson.

Năm 2012 cũng là năm hoàn thành đập thủy điện Nọa Trát Độ (Nouzhadu) ở thượng nguồn, hiện là đập lớn nhất của Trung Quốc trên dòng Mekong (công suất 5.850 MW và lượng giữ nước lên tới 27 tỷ m3).

Kể từ đó, lượng nước mà các đập Trung Quốc giữ lại tăng đáng kể so với trước.

Đập Trung Quốc giữ nhiều nước đến mức mực nước tại Thái Lan từ mùa khô sang mùa mưa 2019 cũng không thể tăng lên. Ảnh: Viện Stimson.

Sự thiếu nước so với bình thường ở hạ lưu tăng lên đỉnh điểm vào đợt khô hạn năm ngoái, vào thời gian vốn phải là mùa mưa của năm.

Dữ liệu của Eyes on Earth cho thấy thượng nguồn sông Mekong vẫn có lượng mưa trên trung bình, nhưng các đập của Trung Quốc đã giữ lại lượng nước kỷ lục, đến mức mực nước thực tế ở trạm Chiang Saen, Thái Lan còn giảm đi so với mùa khô ngay trước đó - “điều chưa từng xảy ra”, theo Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện Stimson, tổ chức ở Mỹ cũng vừa ra một báo cáo dựa trên dữ liệu từ Eyes on Earth.

Kết quả, vào tháng 7/2019, Thái Lan phải điều quân đội để đối phó khẩn cấp với hạn hán chưa từng có ở các tỉnh đông bắc.

Ở Campuchia, các cộng đồng đánh cá dọc Biển Hồ ghi nhận lượng cá đánh bắt được giảm 80-90%.

Năm 2019, vùng hạ lưu sông Mekong đã ghi nhận đợt hạn hán kỷ lục trong vòng 50 năm. Ảnh: AFP.

Chưa rõ hết nguyên nhân đợt hạn kỷ lục 2019

Ông Brian Eyler nói rõ nghiên cứu này nhằm mục đích cung cấp dữ liệu cho các chính phủ và giới chuyên gia.

Dù vậy, ông nói thêm: “Bản thân hạ lưu cũng có thời tiết khô hạn vào (mùa mưa) năm ngoái”.

Lượng mưa thấp hơn bình thường tại hạ lưu cũng được cho là nguyên nhân khiến mực nước sông Mekong giảm kỷ lục mùa hè năm ngoái. Thông cáo ngày 18/7/2019 của Ủy hội sông Mekong nói lượng mưa giảm và thời tiết khô nóng hơn bình thường là nguyên nhân khiến nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục.

Dữ liệu của Eyes on Earth cho thấy thượng nguồn sông Mekong vẫn có lượng mưa trên bình thường, còn hạ lưu có lượng mưa thấp hơn bình thường. Ảnh: Viện Stimson.

Somkiat Prajumwong, Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên Nước Thái Lan, nói: "Hiện chúng tôi chưa rõ nguyên nhân của đợt hạn. Nguyên nhân ban đầu là biến đổi khí hậu, nhưng nguyên nhân chính vẫn chưa được xác định". Ông đề nghị nghiên cứu chung thêm với Trung Quốc.

Một nghiên cứu trước đây ước tính dòng chảy từ Trung Quốc đóng góp tới 40% dòng chảy ở hạ lưu vào mùa khô.

Chính phủ Trung Quốc phản bác nghiên cứu của Eyes on Earth và nói nguyên nhân là hạn hán.

Tuy vậy, Mỹ đã chỉ trích Bắc Kinh đang kiểm soát dòng sông. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quy trách nhiệm cho Trung Quốc trong việc gây ra hạn hán ở hạ lưu sông Mekong.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ảnh hưởng lớn nếu dòng chảy bị giảm đi. “Nước biển sẽ vào sâu hơn, sẽ dẫn đến vấn đề xâm nhập mặn, thách thức cho nông nghiệp và gây lũ lụt”, ông Eyler nói.

“Rõ ràng đập của Trung Quốc có ảnh hưởng đến các quá trình sinh thái của cả hệ thống sông Mekong - những quá trình đặc biệt quan trọng cho sự ổn định kinh tế của hạ lưu, mà nếu bị gián đoạn sẽ là thách thức lớn cho các nước”.

Dòng chảy xuống hạ lưu mang theo cá và phù sa. Trong đó, phù sa sẽ giúp các khu vực ở lưu trở nên “chắc” hơn, giảm đi sự sụt lún được dự đoán do biến đổi khí hậu.

Đập thủy điện Đại Triều Sơn được xây dựng trên sông Mekong đoạn chảy qua tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Thêm thông tin về các đập Trung Quốc

Dù không giải thích nguyên nhân đợt hạn năm 2019, đóng góp lớn nhất từ nghiên cứu của Eyes on Earth là sự minh bạch, hé lộ tác động của các đập thượng nguồn tới hạ lưu, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn từ chối chia sẻ dữ liệu giữ nước và xả nước, theo nhóm nghiên cứu.

Ông Brian Eyler nói điều quan trọng nhất ở nghiên cứu này là cho thấy “thời kỳ bí mật sẽ kết thúc” đối với các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.

“Trong nhiều thập kỷ, thông tin của Trung Quốc về hoạt động của các đập và lượng nước xả ra giống như chiếc ‘hộp đen’ và không được chia sẻ thường xuyên với các nước hạ lưu”, ông Eyler nói. “Cách duy nhất để biết thêm về các đập đó là thông qua ảnh vệ tinh”.

Trung Quốc cũng không thông báo gì về việc xây dựng các đập thủy điện trước đập Nọa Trát Độ, hoàn thành năm 2012, theo ông Eyler.

Một ngư dân tại bờ sông gần Nong Khai, Thái Lan ngày 10/1. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia tại buổi họp báo cho rằng phương pháp nghiên cứu của Eyes on Earth (đo độ ẩm, ước tính dòng chảy “tự nhiên”) là phương pháp giá rẻ, giúp chính quyền và giới học giả các nước hạ lưu có thêm sự minh bạch về ảnh hưởng của các đập thượng nguồn sông Mekong.

“Điều này có thể gây sức ép lên Trung Quốc phải chia sẻ thêm dữ liệu, hay khuyến khích Trung Quốc giảm bớt tình trạng hạn hán cực độ trong tương lai” cho vùng hạ lưu, Jake Brunner, Trưởng nhóm IUCN (Liên minh quốc tế bảo vệ thiên nhiên), khu vực Đông Dương, nói tại buổi họp báo ngày 7/5. “Việt Nam có nguồn lực khoa học để vận dụng công nghệ này. Dữ liệu là dữ liệu công khai”.

"Trung Quốc chưa chia sẻ dữ liệu về dòng chảy với các chính phủ và cộng đồng ở hạ lưu”, David Wood, giảng viên ĐH Mae Fah Luang, Thái Lan, trả lời sau một hội thảo gần đây về tác động của đập thủy điện đến ĐBSCL.

“Để giữ lời hứa 'một gia đình' mà Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan từng nói, Trung Quốc nên quản lý các đập thủy điện ở thượng nguồn sao cho… tác động tối thiểu đến các nước hạ lưu".

Thông cáo ngày 30/4 của Ủy hội sông Mekong cho biết Mực nước ở đa phần lưu vực sông Mekong đã trở lại bình thường sau khi xuống thấp kỷ lục trong đợt khô hạn dài vừa qua. Ảnh: Ủy hội sông Mekong.

Cần chú ý các đập thủy điện ở hạ lưu

Ngoài các đập thủy điện ở thượng nguồn, khu vực ĐBSCL sẽ còn bị ảnh hưởng lớn bởi nhiều đập thủy điện khác ở hạ lưu, cả dòng chính và các nhánh sông, theo các chuyên gia.

Hiện tại, trên khắp lưu vực, Lào đang có 64 đập thủy điện đang xây dựng, và 301 đang lên kế hoạch. Campuchia có 1 đang xây dựng và 66 lên kế hoạch, còn Trung Quốc có 8 đập thủy điện đã lên kế hoạch, theo số liệu của Viện Stimson.

Số đập thủy điện của các nước, thuộc các nhóm “đã hoàn thành”, “đang xây dựng”, và “lên kế hoạch” (từ trên xuống). Ảnh: Viện Stimson.

“Những con đập này dự kiến sẽ bán điện… chúng ta có quyền của người mua điện đối với các con đập này”, Ngụy Thị Khanh, giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), cho biết tại buổi họp báo ngày 7/5. “Thái Lan gần đây quyết định không mua điện từ một số con đập, khiến việc xây dựng bị ngừng lại”.

Các đập thủy điện ở hạ lưu sông Mekong, bao gồm “đang hoạt động” (xanh đậm), “đang xây dựng” (xanh nhạt), và “lên kế hoạch” (da cam). Ảnh: Cuốn sách Last Days of the Mighty Mekong, tác giả Brian Eyler.

“Cần điều phối chính sách chiến lược ở tầm rất cao để đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, để cứu được ĐBSCL”, bà Khanh nói thêm. “Nếu phù sa mất đi sẽ dẫn đến sụt lún”.

Đang có thay đổi trong sự ủng hộ của Thái Lan đối với các đập thủy điện trên dòng chính Mekong, theo ông David Wood.

10 năm trước, Thái Lan ủng hộ, cấp vốn để xây đập Xayaburi. Gần đây, do phản đối từ người dân địa phương, Thái Lan từ chối ký hợp đồng mua điện đối với đập Pak Beng.

Thái Lan cũng dừng việc cho nổ đá dọc theo 100 km sông Mekong, do nhiều cuộc biểu tình cho rằng kích nổ như vậy sẽ giảm lượng cá, ảnh hưởng sinh kế.

Nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong, thực hiện từ năm 2012-2017, cho thấy các dự án đập ở dòng chính và nhánh sông, xây dựng từ nay cho đến 2040, sẽ “đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái, kinh tế và an ninh lương thực trong vùng”, theo bản tóm tắt được công bố bởi International Rivers, tổ chức bảo vệ các dòng sông và cộng đồng ven sông.

Theo đó, các đập này sẽ giảm lượng phù sa xuống vùng đồng bằng châu thổ tới 97%. Hệ thủy sinh sẽ bị giảm 35-40% vào năm 2020, và 40-80% vào năm 2040. Nguồn cá ở Việt Nam có thể giảm 30%.

Theo ông Wood, lượng phù sa giảm xuống sẽ làm giảm sản lượng gạo. Ngoài ra, còn có mất mát về mặt xã hội (sinh kế, di cư) hay môi trường (mất rừng, mất đa dạng sinh học, xói mòn bờ sông).

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Glenroy West Primary School Vùng: Glenroy. Phone: 9306 8955
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/cac-dap-trung-quoc-giu-nuoc-song-mekong-post1082601.html