Các bước vệ sinh điều hoà và khoang lái đúng cách để lấy gió trong thoải mái mùa dịch bệnh

20:00' 17-04-2020
Hệ thống điều hòa trên xe hơi là một bộ phận khá phức tạp và dễ xảy ra hỏng hóc nếu không được vệ sinh đúng quy trình.

Với tình trạng không khí ô nhiễm như hiện nay tại Việt Nam, hệ thống điều hòa trên xe hơi rất dễ bị bụi bẩn. Hơi nước tích tụ vào bề mặt của dàn lạnh, đặc biệt ở phiến tản nhiệt, khiến khả năng làm mát của điều hòa bị giảm đi. Đây đồng thời là tác nhân gây nấm mốc, vi khuẩn và các mùi khó chịu cho những người ngồi trong xe.

Vậy các chủ xe hơi cần làm gì để giảm thiểu điều này? Hãy cùng tham khảo những ý kiến dưới đây:

Hạn chế tính năng lấy gió ngoài

Hầu hết các mẫu xe hơi trên thị trường hiện nay đều có hai chức năng là lấy gió trong và lấy gió ngoài. Khi bật chức năng lấy gió trong, không khí sẽ được lấy từ chính khoang nội thất và sẽ tuần hoàn qua dàn điều hòa của xe. 

Ưu điểm của chế độ này tại Việt Nam là không khí trong khoang nội thất sẽ trong lành hơn và khả năng làm mát sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, nhược điểm là nếu ngồi lâu, không gian trong xe sẽ trở nên ngột ngạt, bí bách, thậm chí là sẽ khiến tài xế trở nên buồn ngủ vì thiếu oxy.

Đối với chức năng lấy gió ngoài, không khí sẽ trực tiếp được lấy từ môi trường bên ngoài xe vào bên trong qua bộ phận lọc gió. Ưu điểm của chế độ này là luôn cung cấp đủ oxy cho người ngồi trong. Nhưng nhược điểm sẽ là tất cả những mùi khó chịu hoặc bụi bẩn từ ngoài môi trường sẽ lọt vào trong xe dễ dàng hơn.

Khi lái xe trong điều kiện trời mưa, hoặc trong mùa dịch bệnh, nên ưu tiên chế độ lấy gió trong nhằm tránh hơi ẩm lọt vào xe gây ẩm mốc và làm hư hỏng hệ thống điều hòa, đồng thời hạn chế sự lây nhiễm vi khuẩn gây hại.

 

Kiểm tra, thay lọc gió và vệ sinh dàn lạnh

Hệ thống điều hòa trên xe hơi là một bộ phận quan trọng bởi nó giúp đảm bảo không khí lưu thông và điều tiết nhiệt độ trong xe. Các chuyên gia ngành xe khuyến cáo người tiêu dùng nên chủ động kiểm tra lọc gió, có sự thay thế định kỳ và duy trì chi tiết này trong tình trạng sạch sẽ bởi nếu lọc gió bị bẩn, khả năng làm mát sẽ không hiệu quả và có thể gây hại sức khỏe cho hành khách trên xe. Ngoài ra, vệ sinh của các bộ phận như hệ thống đường ống, cửa gió cũng nên được chú ý thường xuyên.

Lấy ví dụ về hệ thống điều hòa trên xe Mercedes-Benz được các nhân viên kỹ thuật hướng dẫn cách vệ sinh như sau:

1) Vệ sinh dàn lạnh được khuyến nghị thực hiện 6 tháng 1 lần bằng dung dịch chuyên biệt. Hạng mục này luôn được thực hiện trong mỗi kỳ bảo dưỡng xe.

2) Kỹ thuật viên dùng bình xịt phun trực tiếp hóa chất vào cửa gió. Quy trình này không cần phải tháo taplo.

3) Lọc gió điều hòa được khuyến nghị thay mới 1 năm 1 lần. Do kết cấu của lọc gió có thể lọc được bụi mịn nên các chủ xe Mercedes được khuyến cáo thay mới chứ không rửa/vệ sinh rồi dùng lại.

4) Tận dụng nguyên lý hoạt động của hệ thống điều hòa, các chủ xe còn có thể khử khuẩn toàn bộ khoang lái, loại bỏ những vi khuẩn gây hại ở những khe, kẽ khó lau chùi:

+ Quy trình này được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của 1 máy phun sương, đổ hóa chất chuyên biệt vào máy và đặt máy dưới quạt thổi gió của hệ thống điều hòa máy lạnh.

+ Khi hệ thống điều hòa làm việc kết hợp với chức năng lấy gió trong, hóa chất (được máy chuyển hóa thành dạng hơi) sẽ luân chuyển trong khoang nội thất và làm sạch khoang lái.

 

Thường xuyên vệ sinh nội thất

Việc vệ sinh nội thất xe hơi nhằm loại bỏ các bụi bẩn, vi khuẩn trong xe. Những điều mà các chủ xe cần làm bao gồm: hút bụi, vệ sinh bề mặt táp-lô và thành cửa xe, vệ sinh thảm sàn, các ô cửa kính. 

Chủ xe cũng cần chú ý và tìm hiểu kỹ chất lượng, nguồn gốc các dung dịch vệ sinh khi dùng bởi nếu các hóa chất không phù hợp có thể ảnh hưởng đến màu sơn, làm giảm tuổi thọ của xe. 

 

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Infiniti Property Corporation Vùng: Melbourne. Phone: 9086 3999
Xem thêm

Article sourced from AUTOPRO.

Original source can be found here: http://autopro.com.vn/cac-buoc-ve-sinh-dieu-hoa-va-khoang-lai-dung-cach-de-lay-gio-trong-thoai-mai-mua-dich-benh-20200414190743271.chn