Các biện pháp gây sức ép của Mỹ đối với ngành công nghiệp hóa dầu Iran sẽ thất bại

14:40' 10-06-2019
Các chuyên gia nhận định các biện pháp gây sức ép của Mỹ đối với ngành công nghiệp hóa dầu Iran nhằm hướng đến một thỏa thuận hạt nhân mới, sẽ thất bại.

Cơ sở khai thác khí đốt South Pars ở cảng miền nam Assaluyeh, Iran. (Nguồn: AFP)

Nhận định trên được đưa ra sau khi hôm 7/6, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tập đoàn hóa dầu Persian Gulf Petrochemical Industries Company (PGPIC) của Iran với cáo buộc tập đoàn này có quan hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) mà Washington liệt vào danh sách khủng bố nước ngoài.

Theo một báo cáo được nhật báo Financial Tribune của Iran đăng ngày 9/6, PGPIC là một trong những doanh nghiệp hóa dầu lớn nhất của quốc gia Trung Đông này với 60 công ty con.

Chuyên gia hóa dầu Iran Behzad Mohammadi đánh giá lĩnh vực hóa dầu của Iran "không thể bị trừng phạt." Các điều kiện mua bán các sản phẩm hóa dầu không giống các điều kiện trong mua mua bán dầu mỏ. Nếu như trong hoạt động xuất khẩu dầu, các cơ sở cung cấp và các tàu chở dầu lớn có thể bị phát hiện thì các phương tiện sử dụng trong xuất khẩu hóa dầu không dễ bị phát hiện.

Ngoài ra, ông Mohammadi cho biết thực tế rằng Iran sản xuất khoảng 350 sản phẩm hóa dầu và cung cấp cho hàng trăm khách hàng tại hàng chục địa điểm toàn cầu, sẽ làm gia tăng khả năng "lách trừng phạt" của ngành công nghiệp hóa dầu của nước này.

Một chuyên gia hóa dầu khác của Iran là ông Fariborz Karimaee cũng nhận định việc trừng phạt lĩnh vực hóa dầu không phải vấn đề tức thì và đây là một tiến trình lâu dài phức tạp. Ông chỉ rõ Iran bán một lượng lớn các sản phẩm hóa dầu đa dạng ở nhiều mức khác nhau cho số lượng khách hàng toàn cầu phong phú, đó là lý do Mỹ sẽ không thể cấm vận Iran trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, những công nghệ mới cùng với nhu cầu đi kèm trên thế giới mở ra nhiều thị trường mới cho sản phẩm hóa dầu của Iran, điều giúp Iran ngày càng mở rộng thị trường cung cấp các sản phẩm hóa dầu. Chính vì vậy, trừng phạt ngành công nghiệp này cũng như quản lý những biện pháp trừng phạt trong thị trường ngày càng mở rộng này là rất khó khả thi.

Bắt đầu từ tháng 11/2018, sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết hồi năm 2018, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran với mục đích gây áp lực để Tehran quay trở lại bàn đàm phán để một thỏa thuận hạt nhân mới. Sau hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, Washington có kế hoạch tăng cường sức ép đối với Iran bằng cách hạn chế lĩnh vực hóa dầu, một nguồn thu chủ chốt khác của quốc gia Hồi giáo này.

Hồ sơ hạt nhân Iran cũng được dự báo sẽ là một trong các nội dung chính tại cuộc họp ban lãnh đạo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sắp diễn ra tại Áo.

Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 9/6, Đại diện thường trực của Nga tại Các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov nêu rõ ban lãnh đạo IAEA sẽ họp tại Vienna trong tuần này. Cùng với những chủ đề liên quan tới việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho các mục đích hòa bình, các lãnh đạo cũng sẽ thảo luận "hồ sơ hạt nhân" của Iran, Syria và Triều Tiên, vấn đề mà như thường lệ có thể tạo ra các cuộc thảo luận sôi nổi.

Ban lãnh đạo IAEA sẽ nhóm họp tại trụ sở cơ quan này ở thủ đô Vienna của Áo trong ngày 10/6. Cuộc họp dự kiến thảo luận về Báo cáo thường niên IAEA năm 2018, hoạt động kiểm chứng và giám sát chương trình hạt nhân của Iran, áp dụng các biện pháp bảo vệ tại Triều Tiên và thực thi thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Syria. Đây là cuộc họp không công khai với báo giới.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Infiniti Property Corporation Vùng: Melbourne. Phone: 9086 3999
Xem thêm

Article sourced from VIETNAMPLUS.

Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-my-se-that-bai-trong-trung-phat-cong-nghiep-hoa-dau-iran/573938.vnp