Ca nhiễm nCoV mới giảm ba tuần liên tiếp

03:00' 05-02-2021
WHO nhận định ca nhiễm mới nCoV toàn cầu giảm ba tuần liên tiếp là tín hiệu có thể kiểm soát các biến chủng, song cảnh báo mọi người dân vẫn cần cảnh giác.

"Số ca nhiễm mới nCoV được báo cáo toàn cầu đã giảm ba tuần liên tiếp. Vẫn còn một số quốc gia ghi nhận số ca nhiễm tăng cao, song ở cấp độ toàn cầu, đây là một tín hiệu đáng mừng", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm 1/2.

Các biến chủng nCoV, đặc biệt là biến chủng được ghi nhận đầu tiên ở Nam Phi, đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tăng khả năng lây nhiễm và giảm hiệu quả của các loại vaccine. Tuy nhiên, ông Tedros cho rằng việc ca nhiễm mới toàn cầu đang giảm cho thấy nCoV có thể được kiểm soát, "ngay cả với các biến chủng mới đang lan truyền".

Lãnh đạo WHO cũng cảnh báo các chính phủ và người dân vẫn phải cảnh giác ngay cả khi ca nhiễm mới giảm. "Trong năm qua, từng có những thời điểm ca nhiễm giảm ở hầu hết các quốc gia, song chính phủ đã mở cửa quá sớm và người dân cũng nhanh chóng mất cảnh giác, khiến Covid-19 bùng phát trở lại", Tedros nói.

Tedros kêu gọi các chính phủ hành động nhiều hơn nữa để khuyến khích mọi người tuân theo những biện pháp ngăn Covid-19, như thực hiện các bước giúp cách ly dễ dàng hơn hoặc khiến nơi làm việc an toàn hơn.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Geneva hôm 18/1. Ảnh: Reuters

WHO và đại diện của Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) cùng ngày cũng phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng mang tên Act Together (Cùng nhau Hành động), để thúc đẩy quyền tiếp cận công bằng với vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán khắp toàn cầu.

Đối với vấn đề vaccine, cố vấn cấp cao của lãnh đạo WHO Bruce Aylward cuối tuần qua cho biết 190 quốc gia tham gia Chương trình Tiếp cận vaccine Toàn cầu (COVAX) đang có cái nhìn đầu tiên về việc phân bổ vaccine của họ. COVAX được xây dựng để hỗ trợ phát triển vaccine và cung cấp khả năng tiếp cận công bằng cho mọi người.

Theo cơ chế của COVAX, các lô vaccine AstraZeneca sẽ được chuyển đến các quốc gia khoảng tháng 2 đến hết tháng 6. Số lượng vaccine này phụ thuộc vào quá trình sản xuất và các yếu tố khác về hướng dẫn phân phối như quy định, thỏa thuận với bên sản xuất và tỷ lệ dân số mà mỗi quốc gia dự định tiêm chủng.

Tổ chức Y tế Pan American của WHO cho biết 36 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Mỹ đang tham gia COVAX dự kiến nhận được 35,3 triệu liều vaccine AstraZeneca trong giai đoạn đầu tiên.

Hầu hết các quốc gia ở châu Mỹ sẽ nhận vaccine từ COVAX bằng nguồn tài chính riêng, nhưng 10 quốc gia sẽ được nhận vaccine miễn phí do tình hình kinh tế hoặc quy mô dân số của họ.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, thế giới đã ghi nhận hơn 100 triệu người nhiễm và hơn 2,2 triệu người chết do nCoV. Ca nhiễm mới được nhận định giảm ở Tây Ban Nha, Anh, Mexico và Ấn Độ, song đang gia tăng ở Pháp, Brazil, Indonesia và Italy.

Viện Đo lường và Đánh giá Y tế của Đại học Washington dự đoán thế giới sẽ ghi nhận thêm hơn một triệu ca tử vong do nCoV vào đầu tháng 5. Một số loại vaccine vẫn có khả năng chống lại biến thể nCoV, song hiệu quả giảm hẳn, khiến các công ty phải gấp rút nghiên cứu các mũi tiêm bổ sung có thể.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/who-noi-ca-ncov-moi-toan-cau-giam-la-tin-hieu-mung-4230870.html