Buông bỏ cần lòng can đảm, nhưng từ bỏ lại chỉ cần một phút yếu lòng

06:00' 25-09-2019
Vui vẻ không phải là một loại tính cách, mà là một năng lực tích tụ từ lòng can đảm. Có học được cách buông bỏ thì lòng mới vui vẻ. Nếu cứ quẩn quanh không dám buông bỏ, cuối cùng sự yếu đuối sẽ dẫn lối bạn từ bỏ bản thân mình.

“Buông bỏ” không phải là “từ bỏ”. Chọn “buông bỏ” hay “từ bỏ”, là cách bạn chọn thanh thản hay lụi tàn.

Buông bỏ là để tìm kiếm một cơ hội trưởng thành. Từ bỏ, chỉ là để trốn tránh. Buông bỏ là bởi vì bản thân nhận thấy không cần thiết phải hạ mình níu giữ một người không đáng, hay một thứ không đáng. Khi con người ta học được cách buông bỏ, là con người ta đã bước qua một cách cửa của sự trưởng thành. Buông bỏ cần rất nhiều dũng khí, bởi lẽ có nhiều lúc ta dùng dằng chẳng nỡ, có nhiều lúc ta tha thiết với tình cảm hơn là lý trí. Giống như trong tình yêu, có khi biết rõ nên buông bỏ khi người ấy muốn rời xa, nhưng cuối cùng lại chẳng dằn lòng dứt khoát cho được.

Buông bỏ cần lòng can đảm, nhưng từ bỏ lại chỉ cần một phút yếu lòng. Chán nản, mỏi mệt, buồn đau, bất hạnh. Vấp ngã, gian truân, tổn thương, vụn vỡ. Có quá nhiều thứ trong cuộc sống này có thể khiến ta từ bỏ. Từ bỏ, là bởi vì không thể buông bỏ một người, một thứ, nên đành lựa chọn từ bỏ chính mình. Một khi đã lựa chọn từ bỏ, sẽ phải mất rất nhiều thời gian để đứng dậy một lần nữa.

Buông bỏ và từ bỏ.

Tựa như một dây leo cuốn lấy bạn, lởn vởn trong tâm trí bạn, tựa như một cái dằm găm sâu trong trái tim bạn, bỏ được cái dây leo ấy, dứt được cái dằm trong tim ấy ra, đau đớn một lần, nhưng cuối cùng lại thấy thanh thản nhẹ nhàng. Nếu không thể buông bỏ, cuối cùng thứ mất đi là chính bản thân mình. Chỉ có người yếu đuối không dám đối mặt với thực tại, mới lựa chọn từ bỏ, mới lựa chọn trốn tránh.

Vui vẻ không phải là một loại tính cách, mà là một năng lực tích tụ từ lòng can đảm. Có học được cách buông bỏ thì lòng mới vui vẻ. Nếu cứ quẩn quanh không dám buông bỏ, cuối cùng sự yếu đuối sẽ dẫn lối bạn từ bỏ bản thân mình.

Buông bỏ, chẳng khó khăn, nhưng cũng chẳng dễ dàng. Biết thỏa mãn chính là biết buông bỏ, biết hài lòng với những gì mình có chính là biết buông bỏ. Biết người nào nên níu kéo, người nào nên buông tay, chính là biết buông bỏ. Nếu một người không thể tìm ra lý do gì để ở lại bên cạnh bạn, hãy buông bỏ, hãy cho họ một lý do để ra đi. Bởi vì cuộc sống này, tình cảm quả thực là một điều rất quan trọng, không có tình cảm, ở bên nhau rất gượng ép, chẳng bằng buông bỏ, cho nhau một con đường mới, tìm kiếm một hạnh phúc mới.

Tổn thương, buồn bã, chẳng thể giữ mãi trong lòng. Tổn thương, buồn bã chỉ nên là những vết sẹo đánh dấu bước đường trưởng thành của chúng ta, chứ tuyệt đối đừng là mảnh thủy tinh găm sâu vào da thịt mà con người ta vì sợ đau mà không dám gắp ra. Nếu vậy, mảnh thủy tinh ấy chỉ ngày ngày hành hạ bản thân mình mà thôi. Đặt hết những tổn thương buồn bã xuống, ta chẳng thể mang nó mãi trong lòng. Cho dù có vấp ngã, hãy cứ đứng lên, hãy cứ mang theo hành trang là một lòng lạc quan phơi phới. Buông bỏ được rồi, bạn sẽ thấy bước chân mình thanh thản nhẹ bẫng, sẽ thấy thế giới này tươi đẹp khoan khoái biết nhường nào.

Con người ta để ý quá nhiều, bận tâm quá nhiều, nên nhiều lúc chẳng thể buông bỏ. Con người ta quen phóng đại niềm hạnh phúc của người khác, phóng đại nỗi đau khổ của mình, quen lấy nỗi bất hạnh của mình so sánh với niềm may mắn của người khác, cuối cùng người băn khoăn dằn vặt chỉ là chính mình. Để ý quá nhiều, chẳng thể buông bỏ, nên tự muộn phiền.

Vậy nên, hãy cứ mở lòng mình ra đi, cầm lên được, đặt xuống được, lùi được, tiến được. Đừng suy nghĩ quá nhiều, đôi khi, đơn giản chính là hạnh phúc, hạnh phúc chính là đơn giản. Hãy có đủ lòng can đảm để học buông bỏ, vì buông bỏ được rồi, sau cơn giông bão lại là mây trời xán lạn.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Shou Sumiyaki Vùng: Melbourne. Phone: 9663 0801
Xem thêm

ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản, thịt bò wagyu thượng hạng


Article sourced from GUU.

Original source can be found here: https://guu.vn/nguoi-manh-me-biet-buong-bo-nguoi-yeu-duoi-chi-biet-tu-bo-GEPcExGkQq4ky.html