BTS xứng đáng được miễn nhập ngũ?
Ngày 25/11, giới truyền thông Hàn Quốc đưa tin tất cả thành viên của nhóm nhạc nam BTS nộp đơn xin hoãn nhập ngũ.
Trước đó, vào tháng 12/2020, Quốc hội Hàn Quốc quyết định thông qua "điều luật BTS". Điều luật này cho phép nghệ sĩ Kpop từng nhận huy chương chính phủ nhờ thành tích và cống hiến của họ - những người được công nhận đã góp phần nâng cao địa vị và phẩm giá dân tộc - có thể hoãn nhập ngũ tới năm 30 tuổi, thay vì độ tuổi tiêu chuẩn là 28 tuổi với thần tượng Kpop khác nói riêng và hầu hết đàn ông Hàn Quốc nói chung.
Năm 2018, BTS được trao tặng Huân chương Văn hóa Hwagwan - huân chương khen thưởng văn hóa và nghệ thuật hạng 5. Dựa trên sự điều chỉnh trong Đạo luật nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc, BTS được phép tiếp tục hoạt động đến tháng 12/2022, kể cả khi thành viên lớn tuổi nhất của nhóm là Jin tròn 30 tuổi vào năm 2022.
Toàn bộ thành viên BTS đã nộp đơn xin hoãn nhập ngũ. Ảnh: Naver. |
Tuy nhiên, người hâm mộ nhóm nhạc nam bày tỏ sự lo lắng khi trên thực tế, chưa thể khẳng định chắc chắn về thời gian nhập ngũ của BTS.
Sau phản ứng dữ dội từ công chúng trước thông tin BTS có thể được miễn nhập ngũ, vào ngày 25/11, Quốc hội Hàn Quốc tổ chức cuộc họp để thảo luận về vấn đề này. Ý kiến của thành viên Quốc hội cho thấy sự chia rẽ, xung đột. Dù hiện tại Hàn Quốc có thể miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho một số vận động viên và nghệ sĩ, theo SCMP, liệu đặc quyền đó có nên mở rộng cho cả thần tượng Kpop hay không vẫn là vấn đề gây ra nhiều tranh luận trong xã hội.
Sự công nhận ở thị trường nội địa và quốc tế
Tính tới hiện tại, BTS đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực âm nhạc tại cả thị trường nội địa và quốc tế.
Nhóm nhạc nam hiện giữ vị trí đầu bảng trong danh sách album bán chạy nhất tại Hàn Quốc, với hơn 4,6 triệu bản album Map Of The Soul: 7 được bán ra.
Năm 2019, BTS giành chiến thắng cả bốn hạng mục Daesang của lễ trao giải Mnet Asian Music Awards (MAMA), trở thành nghệ sĩ nhận được nhiều Daesang nhất trong lịch sử lễ trao giải này. Nhóm tiếp tục lặp lại thành tích này vào năm 2020, "càn quét" tất cả giải Daesang ở hai sự kiện lớn Melon Music Awards (MMA) và Mnet Asian Music Awards.
Trên thị trường âm nhạc thế giới, thông qua loạt danh hiệu "nghệ sĩ đầu tiên", BTS trở thành một trong số nhóm nhạc Kpop hàng đầu góp phần đưa làn sóng âm nhạc Hàn Quốc phát triển toàn cầu.
Mới đây, BTS trở thành nghệ sĩ châu Á đầu tiên giành chiến thắng giải Nghệ sĩ của năm tại sự kiện American Music Awards 2021 (AMAs), đánh bại không ít nghệ sĩ nổi tiếng như Ariana Grande, The Weeknd và Taylor Swift.
|
BTS trở thành nghệ sĩ được công nhận tại cả thị trường âm nhạc Hàn Quốc và thế giới. Ảnh: Naver. |
Vào năm 2017, nhóm được vinh danh dưới tư cách nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên nhận giải thưởng tại lễ trao giải Billboard Music Awards với giải Nghệ sĩ mạng xã hội hàng đầu, phá vỡ kỷ lục 6 năm liên tiếp giành chiến thắng trước đó của Justin Bieber. BTS cũng là nhóm nhạc Kpop đầu tiên và duy nhất từng được xướng tên tại hạng mục Nhóm nhạc/bộ đôi xuất sắc của năm tại lễ trao giải này.
Đáng chú ý, vào năm 2021, BTS nhận đề cử Nhóm nhạc/bộ đôi nhạc pop xuất sắc tại giải Grammy, trở thành nghệ sĩ Kpop đầu tiên có tên trong danh sách đề cử của giải thưởng âm nhạc. Gần đây, Grammy công bố chủ nhân bản hit Butter tiếp tục nằm trong danh sách ứng viên cho hạng mục này tại giải Grammy năm 2022.
Sức ảnh hưởng trong văn hóa và chính trị
Không ít ý kiến khẳng định sức ảnh hưởng lan tỏa toàn thế giới của BTS không chỉ dừng ở âm nhạc. Nhóm gặt hái nhiều thành tích ấn tượng trong lĩnh vực văn hóa, thậm chí là chính trị, và nhận được sự công nhận của Chính phủ Hàn Quốc.
Sau khi BTS giành chiến thắng tại sự kiện AMA, Tổng thống Moon Jae In đã gửi lời chúc mừng nhóm thông qua bài viết khen ngợi trên tài khoản mạng xã hội chính thức. BTS cũng được tổng thống trao tặng Huân chương Văn hóa Hàn Quốc - huân chương dành cho những cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật - trở thành những người trẻ tuổi nhất Hàn Quốc nhận được giải thưởng này.
Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc chọn BTS làm người nhận "Thư cảm ơn" vì nhóm đã truyền tải nét đẹp văn hóa truyền thống quốc gia thông qua màu sắc âm nhạc sáng tạo. Tới năm 2020, nhóm được Hiệp hội Hàn Quốc trao giải thưởng từ lễ trao giải James A. Van Fleet, một lần nữa trở thành những người trẻ tuổi nhất và là nghệ sĩ duy nhất từng được vinh danh tại lễ trao giải.
Đặc biệt, giải thưởng này được trao cho các cá nhân góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị Mỹ - Hàn. Những nhân vật đáng chú ý từng nhận giải thưởng này gồm có cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush và cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung.
Đầu năm 2021, Tổng thống Moon Jae In quyết định bổ nhiệm BTS làm "đặc phái viên tổng thống vì thế hệ tương lai và văn hóa", cho phép nhóm tham dự kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York để phát biểu và biểu diễn.
|
BTS tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cùng Tổng thống Moon Jae In. Ảnh: Naver. |
Korea JoongAng Daily đưa tin nhiều nam giới Hàn Quốc tham gia bày tỏ ý kiến xoay quanh vấn đề nhập ngũ của BTS. Xem xét đóng góp của nhóm cho nền âm nhạc và văn hóa Hàn Quốc, nhiều khán giả cho rằng BTS xứng đáng được miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Ngược lại, một số khác phản đối, khẳng định việc cho phép BTS miễn nhập ngũ là "không công bằng".
"BTS có rất nhiều đóng góp trong việc nâng cao nhận thức về văn hóa Hàn Quốc, và theo cuộc khảo sát đối với người nước ngoài vào năm 2019, văn hóa đại chúng là yếu tố hàng đầu gây tác động đến hình ảnh quốc gia. Trong khi 38,2% người tham gia trả lời rằng văn hóa đại chúng ảnh hưởng đến hình ảnh của Hàn Quốc, chỉ 3,1% lựa chọn thể thao và 1,5% chọn nghệ thuật chính thống. Tôi thấy điều cản trở cuộc thảo luận tại Quốc hội là định kiến dành cho ca sĩ thần tượng, không phải việc người đó có ảnh hưởng như nào đến địa vị quốc gia", một khán giả tự xưng là binh sĩ đã xuất ngũ chia sẻ.
Tranh cãi việc miễn nhập ngũ cho giới thần tượng
Đề cập tới Đạo luật nghĩa vụ quân sự, Quốc hội Hàn Quốc nhấn mạnh sự cần thiết trong việc xem xét, cân nhắc kỹ nhiều biến số tình huống khác nhau trước khi thông qua luật cho phép miễn trừ nhập ngũ theo nhóm.
Theo báo cáo từ Kyunghyang Shinmun, hiện dân số Hàn Quốc đối mặt với sự suy giảm. Đây là yếu tố quan trọng khiến Chính phủ quốc gia này có ít động lực thúc đẩy để cho phép miễn trừ nghĩa vụ quân sự nhiều hơn. Với số lượng thần tượng đông đảo trong giới giải trí, không ít người bày tỏ lo ngại rằng việc điều chỉnh đạo luật nhập ngũ có thể gây tác động lớn tới quân đội đất nước.
Ngoài ra, dù sự công nhận trên quy mô quốc tế của BTS có thể đánh giá là chưa từng xảy ra ở giới giải trí Hàn Quốc, các thành viên Quốc hội bày tỏ sự không chắc chắn, chần chừ trong việc đặt ra tiền lệ để áp dụng cho các ngôi sao trong tương lai.
"Chúng tôi có thể công nhận những người đạt hạng nhất trên bảng xếp hạng Billboard, nhưng để đưa ra nhiều tiêu chí hơn nữa cho bảng xếp hạng âm nhạc tại Anh, bảng xếp hạng Oricon của Nhật Bản, hay hạng hai trên bảng xếp hạng Billboard sẽ rất khó khăn", Seoul Shinmun trích dẫn phát biểu của thành viên Quốc hội.
Vấn đề này cũng được đề cập trong cuộc thảo luận xoay quanh mức độ tác động tới kinh tế của BTS. Sự đóng góp đáng kể của nhóm cho nền kinh tế Hàn Quốc là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên, một số người lập luận rằng chỉ yếu tố này là không đủ để họ được miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Đại biểu Quốc hội Kim Byeong Gi tuyên bố: "Vậy tất cả nam giới trong tập đoàn gia đình Samsung cũng không nên nhập ngũ”.
Theo phó phát ngôn viên của Quốc hội Hàn Quốc, sự đồng thuận từ xã hội là yếu tố cần thiết và quan trọng, đặc biệt khi nghĩa vụ quân sự cần phải "công bằng".
Do vậy, trước luồng ý kiến trái chiều của công chúng và các thành viên Quốc hội, khả năng cao Hàn Quốc còn đối mặt nhiều trở ngại trong việc đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề nhập ngũ của BTS nói riêng và giới thần tượng nói chung.
|
Dù đạt nhiều thành tích ấn tượng, việc miễn nhập ngũ cho BTS còn là vấn đề gây tranh cãi. Ảnh: WSJ Magazine. |
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/tranh-cai-chuyen-bts-duoc-mien-nhap-ngu-post1280886.html