Biến thể Delta khiến Úc đứng trước lựa chọn khó khăn

15:00' 17-09-2021
Khi dịch Covid-19 lần đầu bùng phát năm 2020, người dân Australia sẵn sàng từ bỏ tự do để cứu lấy mạng sống. Nhưng khi biến thể Delta hoành hành, các lệnh phong tỏa kéo dài “không hồi kết” khiến mọi người bắt đầu cảm thấy mệt mỏi.

Năm 2020, dịch Covid-19 khiến nhiều người lo sợ, nhưng việc cần phải làm những gì lại khá rõ ràng.

Một mặt, người dân cảm thấy lo sợ khi dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng. Họ muốn ở nhà, không đi học, làm việc từ xa, giãn cách xã hội để cứu lấy mạng sống.

Mặt khác, nhiều người cũng lo ngại về cái giá phải trả cho những biện pháp này, cả về công việc, giáo dục, tự do, sức khỏe tinh thần và mạng sống của những người khác, vì nếu hệ thống y tế phải dồn quá nhiều nguồn lực vào chống dịch Covid-19, mạng sống của những người khác có thể cũng gặp nhiều rủi ro.

Biến thể Delta khiến Australia đứng trước lựa chọn loại bỏ hay sống chung với Covid-19. Ảnh minh họa: Anadolu

Thời điểm năm 2020, Australia không phải lựa chọn

Thời điểm năm 2020, những ca tử vong không phải do Covid-19 thực tế lại không đáng lo như người ta vẫn nghĩ. Khi đó, Australia ghi nhận ít ca tử vong do các bệnh thông thường hơn, một phần do các quy định hạn chế Covid-19 cũng đã giúp ngăn ngừa các ca tử vong do cúm. Một phần lý do khác là nhờ loại bỏ được Covid-19 sớm, các bệnh viện không rơi vào tình trạng quá tải

Mối lo ngại về công ăn việc làm dường như cũng bị thổi phồng quá mức. Nhờ phong tỏa cứng và sớm, đồng thời trả tiền cho chủ sử dụng lao động giữ chân nhân viên (thông qua JobKeeper), Australia đã đảm bảo được các lệnh phong tỏa đó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Giai đoạn 2020, không có tiểu bang nào của Australia ghi nhận tình trạng gia tăng các vụ tự tử.

Có nhiều ý kiến cho rằng, bằng cách phong tỏa cứng và sớm, Australia đã gần như loại bỏ được Covid-19 và nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường và người dân Australia đã được tận hưởng mùa Giáng sinh 2020 giống như trước đó.

Chiến lược loại bỏ virus cũng giúp Australia trở thành một trong những nước có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất thế giới và cũng chỉ phải chịu một trong những thời kỳ suy thoái kinh tế ngắn nhất.

Biến thể Delta khiến Australia đứng trước lựa chọn khó khăn

Mọi thứ thay đổi khi biến thể Delta hoành hành, với mức độ lan hơn cao nhiều so với biến thể gốc ban đầu.

Theo quan điểm của Viện nghiên cứu Grattan, Australia, nếu tỷ lệ tiêm chủng không ở mức rất cao, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ mục tiêu của bang New South Wales (NSW), bang Victoria hay Khối thịnh vượng chung - thì Australia không thể mở cửa trở lại mà không khiến người dân Australia có nguy cơ tử vong vì Covid-19. Thực tế mới này đang đẩy Australia vào lựa chọn khó khăn.

Nếu các lệnh phong tỏa không kết thúc, việc làm, giáo dục, sức khỏe tinh thần của người dân sẽ thực sự bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp cũng không thể trụ vững.

Australia đang tiến gần hơn tới việc phải đánh đổi mạng sống để lấy các quyền tự do; tiến gần hơn tới việc phải quyết định có bao nhiêu trường hợp tử vong do Covid-19 và mức độ bệnh tật mà nước này có thể chấp nhận để sống chung với dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

“Lộ trình đến tự do” của bang New South Wales trong tuần trước cũng đã tính đến những đánh đổi như vậy. Các tính toán mà Bộ Tài chính và Viện Grattan của Australia đang chuẩn bị khiến điều này trở nên rõ ràng hơn.

Australia không thể phong tỏa mãi

Ông Peter Martin, nghiên cứu sinh tại Trường Chính sách Công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng nước này có thể không loại bỏ được hoàn toàn biến thể Delta, khôi phục cả sức khỏe và quyền tự do như đã làm với các biến thể trước đó. Các lệnh phong tỏa cũng không thể kéo dài mãi.

Cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Morrison cũng nhấn mạnh rằng Australia nên mở cửa và sống chung với Covid-19, dù nhiều lãnh đạo bang và chuyên gia dịch tễ tỏ ra hoài nghi về kế hoạch này.

Các lệnh phong tỏa năm 2020 dù không tác động nhiều đến tâm lý và sức khỏe cũng như giáo dục như nhiều người lo sợ, nhưng việc phong tỏa kéo dài “không hồi kết” như hiện nay sẽ có những tác động rất lớn.

Một trong những tác động rõ ràng được nêu trong báo cáo toàn diện về các lệnh phong tỏa năm 2020 của Viện Y tế và Phúc lợi Australia là bạo lực gia đình. Phong tỏa càng kéo dài, bạo lực càng có khả năng gia tăng.

Theo ông Martin, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, có lẽ các nước sẽ phải chấp nhận đánh đổi để đưa cuộc sống trở lại bình thường và sẽ không có lựa chọn nào đặc biệt tốt. Việc chủ ý để cho dịch bệnh lây lan nhằm đổi lấy tự do đi lại, tự bản thân nó sẽ hạn chế việc đi lại tự do.

Một phân tích của Mỹ cho thấy việc giảm 90% mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng vào năm 2020 là do lo người dân sợ lây nhiễm Covid-19 chứ không phải do các biện pháp hạn chế được áp dụng. Nỗi sợ hãi đó sẽ tăng lên khi dỡ bỏ các hạn chế và dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan.

Viện Grattan cho rằng chỉ nên dỡ bỏ lệnh phong tỏa khi 80% tổng dân số đã được tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, chứ không phải 70-80% người từ 16 tuổi trở lên như bang New South Wales và các kế hoạch quốc gia dự kiến vì con số này mới chỉ chiếm từ 56-64% tổng dân số.

Theo Viện Grattan, kế hoạch mà họ đang tính toán có thể khiến 2.000 đến 3.000 sinh mạng bị mất đi mỗi năm do Covid-19, nhưng đây sẽ cái giá mà công chúng có thể chấp nhận vì nó tương đương với số người tử vong do cúm. Tỷ lệ tiêm chủng như New South Wales đặt ra sẽ khiến cái giá phải trả về sinh mạng cao hơn nhiều./.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

MRC North West Vùng: St Albans. Phone: 1300 676 044
Xem thêm

Article sourced from VOV.