Biến chủng Omicron đẩy Tổng thống Joe Biden vào một "mùa đông bất mãn"

11:55' 03-01-2022
Việc số ca mắc Covid-19 tăng vọt do biến chủng Omicron đẩy Tổng thống Joe Biden vào một mùa đông bất mãn, khác xa kỳ vọng tình hình dịch cải thiện mà ông tuyên bố khi nhậm chức.

Vào những tháng đầu tiên sau khi nhậm chức, tình hình dịch bệnh phần nào ổn định khiến Tổng thống Joe Biden tự tin tuyên bố 4/7/2021 là ngày nước Mỹ thoát khỏi Covid-19.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Delta vào mùa hè và biến chủng Omicron vào mùa đông khiến ông Biden bị tấn công từ mọi phía. Báo cáo mới nhất cho thấy mức độ ủng hộ ông thấp ở mức kỷ lục - 40% - trong khi mức độ phản đối đạt gần 52%, AFP đưa tin ngày cuối năm 2021.

Tổng thống Biden đã hứa sẽ "tuân thủ theo khoa học" khi ông kế nhiệm cựu Tổng thống Donald Trump. Một năm sau, số ca mắc cao kỷ lục, thiếu dụng cụ xét nghiệm và tình trạng do dự tiêm vaccine đã biến một trong những điểm mạnh chính trị của ông thành gánh nặng trách nhiệm ngày càng lớn.

Giờ đây, đảng Dân chủ và tổng thống phải đối mặt với một "mùa đông bất mãn". Tất cả đều khác xa với viễn cảnh tốt đẹp mà ông truyền tải khi nhậm chức 11 tháng trước, lời thề sẽ đảo ngược cách lãnh đạo thất thường của ông Trump và kiểm soát đại dịch.

Gieo rắc hỗn loạn

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, chỉ trong tuần qua, Mỹ bốn lần ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày lập đỉnh mới.

Hôm 31/12/2021, Mỹ có thêm 386.000 ca mắc Covid-19 mới, trước làn sóng lây lan nhanh của biến chủng Omicron, theo CNN. Ít nhất 18 bang và Puerto Rico báo cáo về số ca mắc mới cao kỷ lục.

Những con số trên phần nào nhấn mạnh mặt hạn chế của chính quyền Biden trước biến chủng mới Omicron.

Tuy vậy, tin tốt lành vẫn xuất hiện. Biến chủng Omicron thúc đẩy đợt bùng phát dịch mới, nhưng tỷ lệ tử vong lại thấp hơn nhiều so với các biến chủng trước đó. Vì vậy, trong khi ngày càng nhiều người Mỹ - và người dân ở nhiều quốc gia khác - mắc bệnh, hậu quả lại không quá thảm khốc.

Người dân New York xếp hàng đợi xét nghiệm. Ảnh: AP.

Dẫn mức tăng 125% số ca bệnh ở Mỹ so với 11% số ca nhập viện, tiến sĩ Anthony Fauci - cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ - gọi số liệu này là "đáng khích lệ".

"Chúng ta không nên tự mãn, nhưng tất cả số liệu đều chỉ ra Omicron gây ra bệnh nhẹ hơn", ông nói với các phóng viên một ngày cuối năm 2021.

Tuy nhiên, lo ngại bệnh viện sẽ bị quá tải, các hãng hàng không đã hủy bỏ hàng trăm chuyến bay vào một trong những thời điểm tấp nập nhất trong năm.

Cho đến đêm 1/1, các hãng hàng không hủy hơn 2.700 chuyến bay trên khắp nước Mỹ - mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành này - vì lý do thời tiết và tình hình dịch bệnh, theo New York Times.

Các trận đấu thể thao đối mặt với nguy cơ gián đoạn.

Sự không chắc chắn về Covid-19 và tốc độ lan truyền nhanh chóng của virus đã gieo rắc sự hỗn loạn, đồng thời gây tổn hại về mặt chính trị cho Tổng thống Biden.

Chật vật ứng phó

Tờ New York Post - một trong những tiếng nói thường xuyên góp mặt vào "dàn đồng ca" chỉ trích Nhà Trắng - nói ông Biden có thể không đáng để đổ lỗi vì những gì Covid-19 gây ra, nhưng những phản ứng của ông đều là "vô ích".

Sự chỉ trích mới nhất tập trung vào tình trạng đáng báo động: Thiếu hụt bộ xét nghiệm nhanh. Các hiệu thuốc hết hàng, trong khi các trung tâm xét nghiệm do chính phủ điều hành trở nên quá đông đúc.

Chính quyền Mỹ thông báo họ sắp gửi 500 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà, cùng các biện pháp khác, nhưng bản thân ông Biden trong tuần này cũng thừa nhận những phản ứng đó "rõ ràng là chưa đủ".

Howard Forman, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Yale, nói với AFP rằng việc xét nghiệm thường xuyên đối với các nhóm nguy cơ cao là rất "quan trọng", vì thuốc điều trị có thể ngăn chặn tình huống tồi tệ nhất xảy ra nếu được phát hiện kịp thời.

"Nếu thuộc bất cứ nhóm nguy cơ cao nào, tôi sẽ xét nghiệm càng sớm càng tốt", ông nói.

Tuy nhiên, biện pháp bảo vệ tốt nhất trước Covid-19 vẫn là vaccine. Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở những người chưa tiêm tăng gần 14 lần so với những người đã chủng ngừa, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Xe tiêm vaccine ngừa Covid-19 di động ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP.

Và đó cũng là thách thức lớn nhất mà ông Biden phải đối mặt - sự kháng cự cực kỳ ngoan cố của nhiều người, chủ yếu là khu vực theo đảng Cộng hòa, không chịu đi tiêm vaccine.

Bất chấp nhiều tháng ngày các quan chức chính phủ kêu gọi và người dân có thể dễ dàng tiếp cận điểm tiêm miễn phí, chỉ có 62% dân số được tiêm chủng đầy đủ, trong đó chưa đến 33% tiêm nhắc lại.

Đầu tuần này, CDC giảm một nửa thời gian cách ly cho những người mắc Covid-19 không có triệu chứng xuống còn năm ngày. Quyết định này thu hút sự ủng hộ từ một số doanh nghiệp, vốn bị gián đoạn hoạt động vì thiếu nhân sự, nhưng nhận chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều bên khác.

Cuộc tranh cãi mới nhất là minh chứng cho thấy khó khăn mà chính quyền ông Biden đang gặp phải trong việc giữ cho tất cả người Mỹ, hoặc đôi khi là bất cứ ai, hài lòng.

Tiết lộ vào hôm 29/12/2021, Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết quyết định giảm thời gian cách ly không chỉ dựa vào khoa học. Yếu tố con người - và nhân tố chính trị - đã hòa nhập vào nhau.

"Nó (quyết định giảm thời gian cách ly) thực sự liên quan rất nhiều đến những gì chúng tôi nghĩ rằng mọi người có thể chịu được", bà nói với CNN.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Marcellin College Vùng: Bullen. Phone: 9851 1589
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/ganh-nang-cua-ong-biden-giua-mua-dong-bat-man-post1286510.html