Biến chủng Delta đe dọa New York
Hôm 27/7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo những người đã tiêm vaccine Covid-19 đeo khẩu trang trở lại ở nơi công cộng khép kín, nếu sống trong các khu vực ghi nhận hơn 50 ca nhiễm mới trên 100.000 cư dân, hoặc có hơn 8% số xét nghiệm cho kết quả dương tính nCoV vào tuần trước.
Mọi khu vực tại thành phố New York đều khớp với những tiêu chí này. Thị trưởng New York Bill de Blasio hôm 28/7 cho biết chính quyền của ông đang xem xét hướng dẫn của CDC, đồng thời tuyên bố thành phố sẽ tặng 100 USD cho những cư dân tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên tại một điểm tiêm chủng do chính quyền điều hành từ ngày 30/7.
Số ca nhiễm nCoV mới trung bình 7 ngày qua tại New York là gần 1.000, tăng vọt so với con số 200 ca vào tháng trước, trong đó khoảng 75% nhiễm biến chủng Delta. Số ca nhập viện vẫn ở mức dưới 300, nhưng đã tăng 75% so với hồi đầu tháng. Theo chính quyền thành phố, hầu hết ca nhập viện là những người chưa tiêm chủng.
"Biến chủng Delta thực sự đã đặt chúng tôi vào một thử thách bất ngờ", de Blasio phát biểu trong cuộc họp báo tuần trước, khi ông tuyên bố toàn bộ nhân viên y tế nhà nước phải tiêm vaccine Covid-19 nếu không muốn xét nghiệm hàng tuần. Đến ngày 26/7, yêu cầu này được mở rộng đối với khoảng 340.000 người lao động tại New York với thời hạn vào giữa tháng 9, thời điểm các trường học tái mở cửa.
Julissa Matos (phải) cùng con trai đi tiêm vaccine Covid-19 tại Trung tâm Y tế Lincoln ở New York, Mỹ, hôm 26/7. Ảnh: NY Times.
Đối với một số người như Julissa Matos, những yêu cầu này khiến cô thay đổi quyết định về việc tiêm chủng. "Tôi không muốn tiêm. Cảm giác như họ chỉ đang thử nghiệm, mà tôi không muốn trở thành vật thí nghiệm", người phụ nữ 31 tuổi cho biết hồi cuối tuần trước.
Tuy nhiên, đến ngày 26/7, Matos đưa con trai 12 tuổi của cô đến Trung tâm Y tế Lincoln tại khu Mott Haven, nơi cả hai được tiêm vaccine Covid-19. Cô lo sợ con mình có nguy cơ nhiễm virus trong chuyến cắm trại ở bang Pennsylvania sắp tới.
"Hai tuần qua, cứ đến lúc chuẩn bị ngủ, có điều gì đó trong lòng mách bảo tôi rằng hãy tiêm phòng cho con. Tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi một lần nữa", Matos giải thích.
Mặc dù vậy, vẫn có những người nhất quyết không thay đổi quan điểm như Daniel Presti, cư dân trên đảo Staten. Quán bar Presti từng quản lý bị đóng cửa vào năm ngoái, sau khi anh nhiều lần vi phạm quy định phong tỏa của thành phố. Người đàn ông 35 tuổi cảm thấy bị xâm phạm quyền tự do cá nhân.
Giờ đây, khu vực South Shore trên đảo Staten trở thành một trong những nơi ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao nhất New York, nhưng Presti vẫn không tin dữ liệu. "Tôi nghĩ chúng ta không nên hủy hoại cuộc sống vì một loại virus vẫn có khả năng sống sót cao nếu nhiễm. Tôi sẽ không thay đổi", Presti cho hay.
Trái với Presti, không khí lo sợ đang bao trùm những cộng đồng từng trải qua thảm cảnh vì Covid-19. Tại khu dân cư South Williamsburg thuộc quận Brooklyn, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vào giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, Tova Schiff cảm thấy ớn lạnh khi nghĩ đến khả năng virus trỗi dậy một lần nữa.
"Bạn không biết khi nào đại dịch chấm dứt, hoặc nó sẽ kết thúc như thế nào. Liệu mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn hay sẽ biến mất?", Schiff, cụ bà ngoài 80 từng thoát nạn sau khi nhiễm virus, đặt câu hỏi. Dù từng ngần ngại tiêm chủng, cuối cùng bà vẫn quyết định tiêm. "Tôi vừa sợ phải tiêm, vừa sợ nếu không tiêm", Schiff nói.
Người dân New York có lẽ đều đang mang cảm giác không chắc chắn sau khi biến chủng Delta len lỏi khắp thành phố. Bất chấp một mùa hè không giãn cách xã hội, không khẩu trang, họ tự hỏi liệu đại dịch có tồn tại mãi mãi hay không.
"Covid-19 giống như bệnh cúm, mà cúm thì không bao giờ biến mất. Nỗi sợ hãi sẽ kéo dài vĩnh viễn", Nelson Lopez, cư dân khu vực East Harlem, nêu quan điểm. Người đàn ông 45 tuổi này vẫn không thể quên từng người hàng xóm đã ra đi vì Covid-19.
Hua Cheng và chồng Keith Hu, cả hai đều là kỹ sư điện, hồi cuối tuần lái xe đến New York để thăm bảo tàng nghệ thuật của thành phố. Khi xuống xe, họ kéo khẩu trang lên dù đã tiêm chủng. "Tôi từng nghĩ mình đã an toàn. Trước khi biến chủng Delta hoành hành, chúng tôi không coi trọng khẩu trang lắm", Hu cho biết.
Bên ngoài thư viện công cộng quận Queens thuộc khu dân cư Flushing, một nhóm thanh niên phát tờ rơi thông tin tiêm chủng bằng tiếng Anh và tiếng Trung cho người qua đường. Gần 85% cư dân Flushing đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, theo dữ liệu của chính quyền.
Trong khu ẩm thực gần đó, Cyrus Lee ngồi với con gái một tuổi của anh. Những người thân của Lee tại Trung Quốc đã nếm trải đại dịch trước khi nó ập đến Mỹ. Bản thân người đàn ông 32 tuổi cũng tận mắt chứng kiến cảnh đau thương khi hỗ trợ những bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Y tế Maimonides, nơi anh làm trợ lý văn phòng.
Cha mẹ của Lee đang sống tại khu Sunset Park, quận Brooklyn, và hiếm khi rời khỏi khu vực này suốt một năm qua, do lo sợ tình trạng thù ghét người gốc Á. Lee lo rằng những vụ bạo lực sẽ tiếp diễn trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV gia tăng. "Chuyện này chẳng bao giờ chấm dứt. Họ vẫn đổ lỗi cho người gốc Á", Lee nói.
Tại Công viên Trung tâm, Navdeep Shergill và vợ Ajinder, cùng ba con của họ, đều đeo khẩu trang trong lúc vui chơi. Gia đình Shergill đến du lịch New York từ thành phố Folsom, bang California.
"Covid-19 sẽ vẫn tồn tại. Bạn không thể ngăn chặn biến chủng Delta và trở về cuộc sống bình thường", Navdeep đánh giá.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/bien-chung-delta-khoi-ac-mong-covid-19-new-york-4332225.html