Biden xem Trump như một 'bài học'

06:00' 03-12-2020
Một trong những điều đầu tiên Trump làm sau khi giành chiến thắng năm 2016 là sa thải nhân viên tham gia quá trình chuyển giao quyền lực và tống những tài liệu đã chuẩn bị vào thùng rác.

Trong những tuần sau đó, đội chuyển giao quyền lực mới đưa ra các lựa chọn nội các mà không xem xét kỹ, tranh cãi về các vị trí cấp cao trong Nhà Trắng và chương trình nghị sự của Trump. Sự lộn xộn này dẫn đến việc chính quyền Trump không có quy trình ra quyết định cụ thể. Thay vào đó, Tổng thống đưa ra các chỉ thị ngẫu hứng trên Twitter hoặc từ sảnh Tháp Trump.

Joe Biden tại Delaware ngày 24/11. Ảnh: AFP.

Quá trình chuyển giao đó đã báo trước diễn biến trong suốt 4 năm nhiệm kỳ qua của Trump: những quyết định được đưa ra đột ngột, thay đổi nhân sự nhiều lần và những cuộc đấu đá nội bộ gay gắt về các lĩnh vực như nhập cư, thương mại, đối ngoại.

Tình cảnh đó hoàn toàn trái ngược với cách nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Joe Biden làm việc hiện nay. Các phụ tá lâu năm của Biden đã đưa ra những lựa chọn dễ đoán cho các vị trí hàng đầu và nỗ lực giảm bớt căng thẳng tiềm ẩn giữa phe ôn hòa và cấp tiến của đảng Dân chủ. Cách tiếp cận của Biden hiện giờ cũng có thể là chỉ báo cho 4 năm tới.

"Trump cho rằng chỉ những kẻ thua cuộc phải chuẩn bị trước, đội ngũ của Biden dường như có quan điểm trái ngược", cựu phụ tá của Trump cho biết. "Trump không bao giờ muốn chuẩn bị cho một cuộc họp vì ông ấy nghĩ rằng ông ấy có thể tùy cơ ứng biến và bạn chỉ phải chuẩn bị nếu không đủ giỏi hoặc không thể tư duy nhanh".

Sau 4 năm, các phụ tá của Tổng thống sắp mãn nhiệm vẫn chia rẽ về việc liệu Trump có làm đúng trong giai đoạn chuyển giao quyền lực năm 2016 hay không.

Nhiều người ủng hộ ông cho rằng Trump đã đúng khi không làm theo truyền thống là tập trung lấp đầy nhân viên cấp trung tại các cơ quan mà thay vào đó tập trung vào các chính sách lớn như dự luật thuế năm 2017 của đảng Cộng hòa, chỉ định một loạt thẩm phán bảo thủ và rút Mỹ khỏi các thỏa thuận quốc tế như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hoặc thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, đối với những người chỉ trích và thậm chí một số đồng minh, việc Trump không thực hiện được một quá trình chuyển đổi có ý nghĩa đã làm ảnh hưởng đến khả năng cầm quyền của ông trong năm đầu tiên và cả các năm sau đó.

Các cựu quan chức cho biết một phần nguyên nhân là đấu đá nội bộ giữa các phụ tá của Trump ở New York, ban phụ trách chiến dịch tranh cử và các đảng viên Cộng hòa theo chủ trương truyền thống có liên kết với Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa.

"Trump chưa từng giữ chức vụ dân cử nào. Khi kinh doanh, ông cũng không có cổ đông để báo cáo tình hình công việc, vì vậy ông ấy có thể điều hành mọi thứ và nắm giữ thông tin theo ý mình", Martha Joynt Kumar, giám đốc Dự án Chuyển tiếp Nhà Trắng, chuyên nghiên cứu các cuộc chuyển giao quyền lực, nói. "Ông ấy không quen với việc chia sẻ quyền lực".

Các phụ tá thân cận của Trump như Hope Hicks, John McEntee, Steve Bannon, Stephen Miller và Kellyanne Conway đã dành phần lớn thời gian ở New York sau cuộc bầu cử năm 2016 để làm việc cùng Tổng thống. Trong khi đó, các nhân viên giàu kinh nghiệm và thiên về chính sách hơn làm việc ở thủ đô Washington. Hai nhóm thường không liên lạc với nhau.

Các phe phái này "dành rất nhiều thời gian để tranh giành về quyền lực, không gian văn phòng và bổ nhiệm nhân sự, việc chánh văn phòng làm việc yếu kém càng tạo điều kiện cho điều này xảy ra", một quan chức từng làm việc trong quá trình chuyển giao quyền lực của Trump nói, nhắc đến Reince Priebus. "Vì vậy, họ không có được một chương trình thống nhất, rõ ràng. Có rất nhiều chương trình cạnh tranh nhau".

Thay vì lựa chọn những người có chuyên môn cao hoặc giàu kinh nghiệm về chính sách, Trump đưa ra những lựa chọn đặc biệt, tiêu biểu là việc bổ nhiệm Rex Tillerson, lãnh đạo tập đoàn dầu khí thiếu kinh nghiệm ngoại giao, giữ chức ngoại trưởng.

David Axelrod, cựu cố vấn cấp cao của Barack Obama, nhận định khi Trump mới nhậm chức, nội các của ông không có lập trường thống nhất và rõ ràng. "Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng không thực sự nắm bắt được những gì ông ấy đang nghĩ hoặc đang nói".

Axelrod nhận xét Biden đã cho thế giới thấy một phong cách quản lý khác. Các phụ tá đang cố vấn cho Biden đã làm việc với ông trong nhiều thập kỷ và họ ưu tiên lựa chọn những quan chức giàu kinh nghiệm vào các vị trí hàng đầu. Đây là những lựa chọn không gây bất ngờ, hầu hết đã làm hài lòng những người theo chủ nghĩa ôn hòa trong khi không quá làm mất lòng người theo chủ nghĩa cấp tiến.

"Với nửa thế kỷ kinh nghiệm, Biden tin rằng ngoại giao và các liên minh là điều rất quan trọng và ông ấy cũng chỉ định một loạt người tin vào điều đó", Axelrod nói thêm.

Trong khi đó, nội các của Trump không có sự đồng điệu về mặt tư tưởng. Ngoại trưởng đầu tiên, Tillerson, tin tưởng vào hợp tác và liên minh nước ngoài - điều mà Trump đã chỉ trích vào đầu nhiệm kỳ.

"Không ai thực hiện được công việc quan trọng nào trong quá trình chuyển giao và tại Nhà Trắng, họ phải xây dựng gần như từ tay trắng", một cựu quan chức bình luận.

Để quá trình chuyển giao quyền lực hiệu quả, cần biết tổng thống muốn đạt được điều gì từ trước khi nhậm chức và chỉ định những người làm việc đó, Clay Johnson, trưởng nhóm chuyển giao quyền lực của George W. Bush, nói.

"Tôi không biết kế hoạch của Biden là gì, nhưng có vẻ các phụ tá của Biden đã quen thuộc với quy trình bổ nhiệm và cách hoạt động của chính phủ. Họ đã có kinh nghiệm", Johnson nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/biden-quyet-khong-di-vao-vet-xe-cua-trump-4198947.html