Bị phương Tây trừng phạt, Trung Quốc xích lại gần Nga, Iran và Triều Tiên
Tuần qua, Bắc Kinh bắt đầu cảm nhận được tác động từ chiến lược ngoại giao mới của Tổng thống Joe Biden: Ngoại trưởng Antony Blinken thẳng thừng chỉ trích vấn đề nhân quyền của Trung Quốc tại cuộc họp ở Alaska. Vài ngày sau, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và Mỹ đồng loạt tung ra các lệnh trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương. Australia và New Zealand cũng ra tuyên bố lên án.
Hai tháng sau khi nhậm chức, chiến lược tập hợp đồng minh gây áp lực với Trung Quốc của Biden đang mang lại kết quả rõ ràng. Nhưng chiến lược này cũng thúc đẩy Bắc Kinh củng cố quan hệ với các đối tác, những nước đồng thời là đối thủ địa chính trị khó nhằn của Mỹ: Nga, Triều Tiên, Iran.
Giờ đây, Bắc Kinh đang chứng tỏ họ cũng có bạn bè.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov tại Quế Lâm ngày 23/3. Ảnh: BNG Nga.
Mặc dù Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Washington trong một loạt vấn đề, tuần này, họ thể hiện rằng họ vẫn giữ được ảnh hưởng lớn với các quốc gia nằm ngoài quỹ đạo phương Tây. Điều đó có thể phức tạp hóa chương trình nghị sự quốc tế của Biden trong một thế giới ngày càng phân cực.
Chính quyền Biden đang "theo đuổi chiến lược kiềm chế Trung Quốc, ngay cả khi họ không gọi như vậy", Jia Qingguo, giáo sư Đại học Bắc Kinh, thuộc cơ quan cố vấn quốc gia Trung Quốc về chính sách đối ngoại, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
"Dù họ có cố tình hay không, hậu quả là chúng ta bị đẩy vào một thế giới bị chia rẽ", Jia nói. "Ở Trung Quốc, nhiều người nghĩ rằng chúng ta cần thiết lập quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với một số quốc gia nhất định, trong khi những người khác lo lắng về con đường mà chúng ta có thể phải đi".
Đối với Trung Quốc, lệnh trừng phạt EU công bố hồi đầu tuần đối với các quan chức Tân Cương là "đòn giáng" từ một khối quan trọng của phương Tây mà Trung Quốc tưởng rằng họ đã lấy lòng ổn thỏa vào năm ngoái bằng hiệp định đầu tư quy mô lớn. Trung Quốc tức giận về các lệnh trừng phạt và ngay lập tức huy động các chính trị gia và học giả trong nước đáp trả những nhà phê bình phương Tây, khiến thỏa thuận họ đã dày công theo đuổi có thể trở nên "công cốc".
Khẩu chiến leo thang trong tuần này, khi các chính phủ châu Âu triệu đại sứ Trung Quốc để bày tỏ sự không hài lòng. Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã đã kiên quyết phớt lờ yêu cầu triệu tập, trong khi Trung Quốc nhắc đến những vấn đề đen tối trong lịch sử châu Âu, bao gồm thảm họa diệt chủng Holocaust.
Khi mối quan hệ của Trung Quốc với châu Âu trên bờ vực sụp đổ, Nga nhanh chóng vào cuộc. Hôm 22/3, 72 giờ sau cuộc họp giữa Blinken, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và những người đồng cấp Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới Trung Quốc, kêu gọi hai quốc gia "chung chí hướng" hợp sức để tháo gỡ sự chi phối của đồng USD đối với hệ thống thanh toán quốc tế, yếu tố đã tạo ra sức nặng cho các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mỹ đang "dựa vào các liên minh quân sự - chính trị thời Chiến tranh Lạnh", Lavrov nói với các phóng viên ở Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng thể hiện sự tán thành. "Mỹ và các đồng minh trong liên minh tình báo Ngũ Nhãn tuần này kéo bè kéo phái như một cuộc chiến băng đảng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói. "Chỉ cần nhìn vào bản đồ, các bạn sẽ thấy Trung Quốc có bạn bè trên toàn thế giới. Chúng tôi việc gì phải lo lắng?".
Nga - Trung ngày càng xích lại gần nhau trong những năm gần đây. Năm 2018, Tổng thống Nga Putin đã làm món bánh kếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vladivostok. Quân đội hai nước cũng tổ chức cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Nga cũng có quan hệ kinh tế ngày càng phát triển với Trung Quốc. Tổng sản phẩm quốc nội của Nga thấp hơn Trung Quốc, nhưng nước này là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Trung Quốc, sau Arab Saudi.
Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Moskva dưới thời tổng thống Barack Obama, hiện là nhà sử học tại Đại học Stanford, cho biết ông Tập và ông Putin xích lại gần nhau bởi nhu cầu địa chính trị, phong cách lãnh đạo và cách họ thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc.
"Putin coi chúng ta là đối thủ, coi các thể chế đa phương của chúng ta là đối thủ và ông ấy muốn Trung Quốc tham gia vào khối của mình", McFaul nói. "Tôi thấy rằng Trung Quốc vẫn chưa đưa ra quyết định. Họ không thích tham gia các khối".
Bruno Macaes, cựu quan chức Bồ Đào Nha về các vấn đề châu Âu và là thành viên của Viện Hudson, cho biết các lãnh đạo Trung Quốc có thể cảm thấy rằng mối quan hệ với châu Âu vẫn có khả năng cứu vãn sau một tuần biến động.
Các quốc gia riêng lẻ của EU vẫn có thể thực hiện những thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc và thương mại vẫn có thể phát triển mạnh mẽ, ngay cả khi rất khó có khả năng nghị viện châu Âu sẽ thông qua hiệp định đầu tư với Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh đã tung một số đòn đáp trả các nước thành viên EU. Theo lệnh trừng phạt của Bắc Kinh, các nhà lập pháp, các nhà nghiên cứu châu Âu và gia đình họ không thể làm ăn với Trung Quốc.
Macaes nhấn mạnh rằng Trung Quốc hiện chiếm khoảng 40% doanh số bán hàng của ba nhà sản xuất ôtô lớn nhất Đức: Volkswagen, BMW và Daimler. "Các biện pháp trừng phạt không có nghĩa là đoạn tuyệt kinh tế", ông nói.
Trong khi đó, Trung Quốc đang nhanh chóng tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh mà họ cảm thấy đáng tin cậy hơn. Hôm 22/3, ông Tập đã gửi thông điệp tới lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ca ngợi mối quan hệ hai nước là "tài sản quý giá" và hứa hẹn viện trợ nhân đạo. Trong khi đó, ông Kim nhấn mạnh "sự đoàn kết và hợp tác" với Trung Quốc khi đối mặt với một chính quyền Mỹ mới "thù địch".
Cuối tuần qua, các quan chức Mỹ cho biết Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đầu tiên kể từ khi Biden lên nắm quyền. Hàn Quốc và Mỹ hôm nay cho biết Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa, được cho là tên lửa đạn đạo.
Ngày 24/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Trung Đông và được chào đón nồng nhiệt. Các điểm dừng của ông Vương bao gồm Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trung Quốc là khách hàng dầu mỏ lớn của họ.
Jia, cố vấn chính phủ Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh tiếp tục sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực đa phương nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên và Iran, nối lại hiệp định khí hậu Paris và không nhất thiết phải suy diễn việc hợp tác về những vấn đề này với mâu thuẫn Trung - Mỹ.
Tuy nhiên, Jia cảnh báo phương Tây đừng thử thách lòng kiên nhẫn của Trung Quốc. "Trung Quốc tin rằng họ là một bên cầm trịch trật tự quốc tế hiện tại, nhưng nếu bạn muốn tước đi đòn bẩy của họ, bạn sẽ thấy một bộ mặt khác rất nhiều", ông nói. "Giúp đỡ người Mỹ trong khi họ tiếp tục chỉ trích mình ư? Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ làm vậy".
Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-tim-ban-giua-song-trung-phat-cua-phuong-tay-4253607.html