Bí ẩn về 'pháo đài ma' trong Thế chiến thứ II

10:00' 13-10-2020
Oanh tạc cơ B-17 Mỹ hạ cánh khẩn tại Bỉ năm 1944 mà không có ai trên khoang, hơn 10 chiếc dù còn nguyên, khiến nó được gọi là pháo đài ma.

Ngày 23/11/1944, một đơn vị phòng không thuộc Không quân Hoàng gia Anh đồn trú ở ngoại ô thành phố Kortenberg, Bỉ, phát hiện một oanh tạc cơ B-17 đang hướng về phía họ. Chiếc "pháo đài bay" cỡ lớn của không quân Mỹ di chuyển với tốc độ cao, càng đáp đã được hạ xuống.

Do hoạt động của chiếc oanh tạc cơ này không có trong lịch trình, binh sĩ Anh tại căn cứ đoán rằng đây là một tình huống hạ cánh khẩn cấp và triển khai ứng phó theo hướng này. Chiếc B-17 sau đó lao xuống một cánh đồng gần căn cứ.

Dù không đâm vào các ụ pháo phòng không, cú hạ cánh của chiếc oanh tạc cơ diễn ra nhanh và mất kiểm soát đến mức các cánh quạt văng ra, hai cánh máy bay đập xuống đất, ba động cơ vẫn chạy.

Các binh sĩ phòng không Anh dự đoán phi hành đoàn Mỹ hoảng loạn sẽ xuất hiện sau cú hạ cánh kinh hoàng. Tuy nhiên, sau 20 phút chờ đợi, không có ai rời khỏi chiếc máy bay bị hư hại, khiến thiếu tá John Crisp quyết định tiếp cận phi cơ này một cách thận trọng.

Một oanh tạc cơ B-17 của Mỹ. Ảnh: Wikimedia Commons.

Do không nắm rõ về B-17, Crisp mất một lúc để tìm được cửa vào dưới thân máy bay rồi một mình tiến vào bên trong chiếc oanh tạc cơ, nhưng vẫn không thấy ai. Sau khi tìm kiếm kỹ lưỡng, lính Anh càng ngỡ ngàng bởi hơn 10 chiếc dù vẫn được xếp gọn gàng trong máy bay, phủ thêm "lớp màn bí ẩn" lên tung tích phi hành đoàn.

Máy ngắm ném bom trên máy bay cũng không xê dịch và dường như còn nguyên vẹn. Các binh sĩ còn tìm thấy một cuốn sổ mật mã nằm trên bàn làm việc của hoa tiêu thể hiện các màu và ký hiệu nhận dạng, nhiều áo khoác và vài thanh chocolate ăn dở, nhưng không có bất cứ ai trên khoang, kể cả thi thể của phi hành đoàn.

Manh mối quan trọng duy nhất dường như là dòng ghi chú cuối cùng trong cuốn sổ mật mã, viết rằng "hỏa lực phòng không mạnh". Tuy nhiên, thiệt hại duy nhất của oanh tạc cơ là do cú hạ cánh khẩn cấp. Thêm vào đó, những chiếc dù còn nguyên, đồng nghĩa với việc nếu có bất cứ ai nhảy ra ngoài máy bay, họ chắc chắn đã thiệt mạng.

Chiếc B-17 sau đó được đặt biệt danh là "Pháo đài ma" và làm nảy sinh nhiều lời đồn đại xung quanh sự việc kỳ lạ này. Sau một thời gian điều tra, bí ẩn này mới dần dần được làm sáng tỏ.

"Pháo đài ma" này được xác nhận thuộc biên chế Không đoàn Ném bom số 91 của Mỹ, với nhiệm vụ cuối cùng là oanh tạc các nhà máy lọc dầu tại thành phố Merseburg, Đức. Tuy nhiên, chiếc máy bay gặp sự cố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Phi hành đoàn của chiếc B-17 sau đó được phát hiện đều còn sống và đang có mặt tại Bỉ. Theo lời kể của họ, giá treo bom đã gặp trục trặc, buộc họ phải chuyển hướng khỏi phi đội oanh tạc cơ để xử lý sự cố. Tuy nhiên, chiếc B-17 trúng hỏa lực phòng không của địch, khiến giá treo bom hỏng nặng hơn và một động cơ bị phá hủy.

Phi hành đoàn đã quyết định chuyển hướng về phía Anh, nhưng sau khi nhận thấy rõ ràng rằng máy bay không đủ sức đến đích, họ hướng tới Brussels, Bỉ. Trên hành trình, họ cố gắng giảm trọng lượng cho máy bay để giữ độ cao. Bất chấp nỗ lực đó, chiếc B-17 vẫn tiếp tục chao đảo, nên phi hành đoàn đã thiết lập chế độ lái tự động và nhảy dù.

Tuy nhiên, câu chuyện của phi hành đoàn không khớp với bằng chứng tại hiện trường, bởi chiếc "pháo đài ma" dường như không chịu thiệt hại nào như họ mô tả. Trong nỗ lực kết nối các chi tiết, một số lời giải thích có vẻ hợp lý đã được nêu ra, dù chưa hẳn thỏa đáng.

Các động cơ có khả năng đã tự hoạt động trở lại sau khi phi hành đoàn nhảy xuống. Nhóm binh sĩ Anh xem xét chiếc B-17 tại hiện trường, do thiếu kiến thức về oanh tạc cơ này, có thể đã nhầm lẫn thiệt hại trong lúc chiến đấu với thiệt hại khi tiếp đất.

Tuy nhiên, không giả thuyết nào lý giải được việc những chiếc dù của phi hành đoàn vẫn còn nguyên trong khoang. Cũng không ai rõ bằng cách nào oanh tạc cơ có thể thực hiện khía cạnh khó khăn nhất khi hạ cánh, đó là tiếp đất mà vẫn khá nguyên vẹn, không vỡ nát.

Giả thuyết hợp lý nhất được phát triển dựa trên quan điểm về sự trùng hợp. Máy bay, khi mất độ cao ở tốc độ và góc hạ cánh thích hợp, có thể đã tình cờ tiếp đất một cách khá thuận lợi, mà theo lý thuyết chỉ có những oanh tạc cơ "huyền thoại" mới đủ khả năng làm được.

Nhiều giả thuyết và một vài câu trả lời khác được đưa ra xung quanh sự việc về "pháo đài ma". Tuy nhiên, không giả thuyết nào lý giải được đầy đủ, khiến cú hạ cánh không người lái của chiếc B-17 vẫn là một trong những điều kỳ lạ và bí ẩn nhất từng xảy ra trong chiến tranh.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Robot Building Supplies Vùng: Notting Hill. Phone: 9538 1700
Xem thêm

chuyên các mặt hàng, mefal roof Sheefs 0.47, ms flat bar 6m, falvinised sleeper channel


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/bi-an-phao-dai-ma-my-trong-the-chien-ii-4172445.html