Bên trong “phòng trưng bày nghệ thuật dài nhất thế giới” tại Thụy Điển
Không phải khi không mà hệ thống tàu điện ngầm thành phố Stockholm, thủ đô của đất nước Thụy Điển xinh đẹp, mệnh danh là “phòng trưng bày nghệ thuật dài nhất thế giới”. Đặt chân đến đây, mọi người chắc chắn sẽ bị choáng ngợp bởi không gian mang đậm tính nghệ thuật và tư duy sáng tạo của những người đã góp phần tạo nên nơi này.
Được biết, trước những năm 1950, nghệ thuật chỉ dành cho tầng lớp quý tộc Thụy Điển và là loại hình văn hóa xa xỉ đối với thường dân nước này. Sau đó, thế hệ trẻ mong muốn được phổ biến nghệ thuật đến với tất cả mọi người, giúp nó trở nên thông dụng hơn trong xã hội văn minh.
Chính vì lẽ đó, từ năm 1950, 2 họa sĩ Vera Nilsson và Siri Derkert đã lên kế hoạch biến ga tàu điện ngầm thành bảo tàng nghệ thuật nhưng phải mất 7 năm nghiên cứu, họ mới có thể biến những ý tưởng thành hiện thực với sự tham gia giúp đỡ của hơn 150 họa sĩ khác. Thay vì những bức tường chán ngắt với hàng loạt tấm biển quảng cáo vô hồn thường thấy ở hầu hết ga tàu điện trên khắp thế giới, các nghệ nhân chọn làm đẹp hệ thống tàu điện ngầm thành phố Stockholm theo một cách mới lạ, độc đáo và đầy chất nghệ.
Trạm Solna mang đến cho mọi người cảm giác như bước vào hang động đá đỏ thật sự. Ý nghĩa sâu xa đằng sau tạo hình đầy nghệ thuật này là để phản ánh các vấn đề gây nhức nhối của xã hội như suy thoái nông thôn và phá rừng.
T- Centralen là trạm tàu điện đầu tiên được 2 họa sĩ Vera Nilsson và Siri Derkert chọn trau chuốt và khoác lên diện mạo mới vào những năm 1950. Bức tường được trang trí bằng hình của kỹ sư, công nhân, thợ hàn, thợ mỏ - những người đã góp phần làm nên nơi đây, nhằm tôn vinh công sức lao động của họ.
Nghệ thuật tại trạm Stadion được lấy cảm hứng từ thế vận hội Olympic được tổ chức tại Thụy Điển vào năm 1912. Với hình ảnh cầu vòng khổng lồ ấn tượng, trạm Stadion trở thành địa điểm “sống ảo” bậc nhất trong hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô Stockholm.
Sử dụng tông màu nâu đất làm chủ đạo, trạm Rådhuset mang vẻ đẹp cổ kính của một cung điện hay ngôi đền dưới lòng đất.
Trạm Skarpnäck gây ấn tượng với 17 băng ghế đá dài cố định dọc khắp bậc thềm, làm gợi nhớ đến bãi đá cổ Stonehenge nổi tiếng.
Trạm Duvbo được thiết kế vào năm 1985 với lối kiến trúc gợi nhớ đến một mặt đá với những hóa thạch kì lạ.
Không quá cầu kì, trạm Huvudsta đi theo phong cách tối giản với sự kết hợp của những đường sọc chéo tinh tế dưới nền nhà và màu xanh lá dịu mắt.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/ben-trong-nhung-ga-tau-dien-ngam-dep-hon-ca-trien-lam-nghe-thuat-tai-thuy-dien-20180616144224319.chn