Bên cạnh Kawaii - dễ thương, người Nhật còn có Yami Kawaii - nét văn hóa đối lập và méo mó của những tâm hồn chịu nhiều thương tổn
Khi nhắc về đất nước Nhật Bản cùng những xu hướng thời trang cộp mác đất nước này, có lẽ "Harajuku" chính là cụm từ đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn, cùng với những bộ quần áo lung linh, cường điệu hay các cô cậu thanh niên trang điểm đậm, đội những bộ tóc giả tưởng chừng chỉ xuất hiện trong truyện tranh. Thế giới cộp mác "Harajuku" thường xuất hiện trong mắt người nước ngoài với sắc màu kỳ diệu, ngây thơ và có phần lãng mạn; tới mức nhiều người đã gộp chung những hình ảnh "bong bóng cầu vồng" đó vào chung cụm từ "Kawaii". Và ít người biết, trong lòng văn hóa "Kawaii" ấy, một mảng tối đang len lỏi, ăn sâu vào những góc khuất khắc khoải của người trẻ Nhật Bản.
Yami kawaii, hay Menhera, được ghép thành từ "Yami" và "Kawaii". Với "Yami" có nghĩa là "Tà mị - bóng tối", cùng với "Kawaii" mang nghĩa dễ thương quen thuộc, Yami kawaii có nghĩa nôm na là "Sự dễ thương bệnh hoạn". Làn sóng ăn mặc này lấy cảm hứng từ những vật dụng như đồ chơi người lớn, những món dụng cụ y tế như ống kim tiêm, bông băng, thuốc và cả máu giả. Tất cả đều được khoác lên mình, sao cho người mặc nhìn càng ốm yếu, mong manh càng tốt.
Bisuko Ezaki, một trong những nghệ sĩ đứng phía sau trào lưu văn hóa Menhera - lại có vẻ ngoài kẹo ngọt bong bóng đến bất ngờ.
Theo lời người dẫn chương trình "Style Out There" - Connie Wang, "người phương Tây thường nghĩ rằng kawaii có nghĩa là dễ thương, nhưng trên thực tế, nó có nghĩa là "khả năng để được yêu thương". Cách người phương Tây hiểu về từ này chưa thực sự đầy đủ." Cũng theo đó ý nghĩa đó, Yami kawaii và Menhera (một từ tiếng lóng để mô tả một người không ổn định về mặt tinh thần) thực chất ám chỉ những điều đại cấm kị trong văn hóa Nhật Bản - trầm cảm, tự ngược đãi bản thân và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
"Mọi người thường cho rằng bệnh tâm thần hay trầm cảm giống như một chấn thương. Họ thấy rằng những nạn nhân của hội chứng đó cần được giúp đỡ, đồng thời coi đó là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Tôi muốn thay đổi hình ảnh tiêu cực của các vấn đề về sức khỏe tâm thần; sử dụng những hình ảnh xinh đẹp và dễ thương để đại diện cho những cảm xúc tiêu cực mà mỗi người đều có." - Bisuko Ezaki, một nghệ sĩ đứng sau trào lưu văn hóa Menhera khá nổi tiếng đã nói về chính lĩnh vực của mình như vậy.
Trước tiên, phải nói rằng Yami kawaii đã vượt ra ngoài khuôn khổ thời trang để trở thành "phong cách sống", giống như phong cách cấp tiến Avant-Garde vậy. Đất nước Nhật Bản có tỷ lệ tự tử cao nhất trên thế giới, chỉ nguyên chỉ số đó đã đủ để nói lên việc bóng tối trong lòng người dân xứ mặt trời mọc, đặc biệt là người trẻ tuổi, lớn tới mức nào.
Chắc hẳn trong số chúng ta chưa ai quên được vụ án tên sát nhân Takahiro Shiraishi dụ dỗ 9 nạn nhân qua các diễn đàn về tự tử trên mạng, sau đó giết hại họ và giấu xác ngay trong nhà. Việc Takahiro có thể vươn tay tới 9 nạn nhân của mình - trong đó có cả một người đàn ông - dễ dàng tới bất ngờ được nhiều người giải thích là do nạn nhân của hắn cũng đã mất hết ý chí sống còn và dễ dàng để hắn ra tay. Thủ đoạn của Takahiro thậm chí còn ngang nhiên tới mức gã tự nhận bản thân là "một người treo cổ chuyên nghiệp", và những nạn nhân của Takahiro đã tìm đến gã với mong muốn được chết.
Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng mất đi niềm vui sống như những người đã từng liên hệ với Takahiro Shiraishi hay những người chọn khu rừng tự sát làm điểm đến cuối cùng trong cuộc đời mình. Một số người chọn cách trốn chạy khỏi xã hội, trở thành những "hikikomori", sống cả ngày trong nhà, không có công ăn, việc làm, không giao tiếp với bất cứ ai. Phần còn lại, họ chọn cách thể hiện những khoảng tối trong tâm hồn của mình qua thời trang và dần dần tạo thành "Yami kawaii".
Yami kawaii thực chất được sinh ra từ biến thể đối lập của nó - Yume kawaii. Trong khi Yume kawaii mang phong cách dễ thương, nhẹ nhàng, thường sử dụng các màu sáng thì Yami kawaii lại ưa màu đen diễn tả nội tâm u ám của người mặc. Tuy nhiên, ngay cả với các trang phục Yami kawaii, những họa tiết vui vẻ trong sáng vẫn được sử dụng, tỉ dụ như trong một đoạn phim tài liệu về cửa hàng bán loại phục trang này của Bisuko Ezaki, những chiếc áo có họa tiết anime sống động được in các slogan màu mè, vui tươi như "I love You"; thế nhưng chỉ ngay ở bên cạnh đó lại có "I Kill You" ("tôi giết bạn"). Yami kawaii dường như không có quá nhiều quy tắc ăn vận, nó chỉ đơn giản là một cách thể hiện những mảng tối nội tâm, những bức xúc trong lòng ra ngoài bằng trang điểm, bằng những phụ kiện hay các thông điệp tiêu cực in trên quần áo.
Yami kawaii, cùng với đó là nhân vật Menhera-chan, được Bisuko tạo ra khi đang chuẩn bị thi Đại Học. Áp lực thi cử nặng nề cộng thêm việc gia đình khắt khe, nặng lời khiến Bisuko cảm thấy buồn bã, lạc lõng. Vậy là anh chàng bắt đầu vẽ Menhera-chan để bỏ trốn khỏi thực tại, sau đó dần dần đưa nhân vật này trở thành biểu tượng cho một nền văn hóa mới - đẹp đẽ và méo mó.
Bisuko Ezaki nói rằng, cách thức yêu thích của anh để tạo ra các sản phẩm Yami kawaii là sử dụng những hình ảnh đáng yêu, trong sáng để truyền tải những nội dung tiêu cực, phản xã hội ("anti-social"). Đó cũng chính là thứ đã tạo nên tên tuổi của Yami kawaii. Bản thân văn hóa này cũng có một nhân vật đại diện do chính Bisuko tạo nên - "Menhera-chan". Cái tên Menhera cũng đại diện cho thời trang và phong cách sống Yami kawaii, và nhân vật này mang hình dạng một cô bé nhỏ nhắn, dễ thương nhưng lại có nhiều hành động tiêu cực như rạch tay, tự ngược đã bản thân v.v... "Vỏ ngoài xinh xắn, tâm hồn méo mó, đó là điều tôi thích ở Menhera-chan" - Bisuko nói về đứa con tinh thần của chính mình.
Và chính "lý tưởng" đó đã ảnh hưởng tới các thiết kế thời trang, phụ kiện của Yami kawaii. Những chiếc dây chuyển hình bơm kim tiêm, những vòng tay giả bông băng che vết rạch ở cổ tay hay áo phông anime dễ thương nhưng lại buông lời sầu hận v.v... tất cả như đang kêu gào cho những đau đớn, trống trải trong lòng nhiều người trẻ Nhật Bản; một tiếng kêu thảng thốt đội lốt sự dễ thương, xinh đẹp và thời thượng.
Connie Wang - người thực hiện chương trình "Style Out There" chủ đề "Yami kawaii" đã nói rằng, khi mang những món phục trang Yami kawaii trên người, cô cảm thấy phẩn "Yami" nhiều hơn hẳn "Kawaii" - "Tôi cảm thấy khó chịu và thiếu thoải mái chứ không hề thấy dễ thương chút nào." Connie cũng nói rằng, người trẻ Nhật Bản dễ cảm thấy cô đơn và tổn thương trước một xã hội hối hả, lạnh lùng, họ mặc những trang phục Yami kawaii để thể hiện mảng tối (Yami) trong lòng, đồng thời cũng thể hiện mong ước được yêu thương - đúng như cái cách mà từ Kawaii lẽ ra phải được hiểu theo.
Hanayo, nhà văn, người mẫu trẻ tuổi, một tín đồ của Yami kawaii. Cô đã từng tìm cách tự tử trong quá khứ và giờ đây chọn phong cách ăn mặc này để vui sống.
Nhưng đó cũng không hẳn là một nét văn hóa tiêu cực. Người trẻ Nhật Bản chọn đến thời trang Yami kawaii như một cách để giải tỏa bản thân; một ví dụ như Hanayo - nhà văn, người mẫu, từng thử tự tử trong quá khứ, mong manh dễ vỡ tới mức chồng cô thường phải đưa cô tới cafe mèo những khi anh không thể trông chừng được để tránh việc cô sẽ tự tử thêm lần nữa. Khi được hỏi, những thứ quần áo cô chọn mặc giúp cô vui vẻ hơn hay giúp cô "làm người khác cảm thấy vui vẻ hơn", Hanayo nói rằng, thời trang Yami kawaii là thứ khiến cô cảm thấy dễ chịu hàng ngày, đồng thời tìm được những người bạn online, những người sẵn sàng sẻ chia cùng cô. Đại khái là ăn cho mình, và mặc cũng cho mình. Có thể Yami kawaii méo mó, khó hiểu, nhưng đó vẫn là liều thuốc mà những người trẻ chịu tổn thương từ xã hội hối hả của Nhật Bản đang tìm đến thay vì khu rừng tự tử hay những kẻ biến thái như Takahiro Shiraishi.
Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/ben-canh-kawaii-de-thuong-nguoi-nhat-con-co-yami-kawaii-net-van-hoa-doi-lap-va-meo-mo-cua-nhung-tam-hon-chiu-nhieu-thuong-ton-20180514170519408.chn