Bé bốn tháng tuổi thích thể hiện bản thân thông qua cười mỉm, cười khúc khích hoặc những tiếng rên rỉ
Bốn tháng tuổi được xem là một cột mốc quan trọng trong hành trình lớn lên của em bé, nó đánh dấu sự phát triển vượt bậc về thể chất và trí não. Trong tháng thứ tư của cuộc đời, bé sẽ chính thức tìm hiểu mọi thứ ở xung quanh.
Đó là những trải nghiệm tự nhiên như cách bé cầm đồ chơi trong tay và thả xuống hoặc bỏ nó vào trong miệng. Đồng thời, trong khoảng thời gian này, bé ngày càng tỉnh táo hơn vào ban ngày. Bé 4 tháng tuổi thích thể hiện bản thân thông qua cười mỉm, cười khúc khích hoặc những tiếng rên rỉ. Điều cha mẹ cần làm là hãy cố gắng đảm bảo con mình được an toàn vì hiện giờ bé đã biết lật, thậm chí đã biết trườn lùi.
1. Bé phát triển về nhận thức: Học cách thuyết phục người khác, hiểu nguyên nhân - kết quả và nắm bắt được cảm xúc của người đối diện
Mỉm cười với mẹ để khiến mẹ mỉm cười lại với mình có nghĩa là bé đang học cách thuyết phục người khác (Ảnh minh họa).
Phương thức giao tiếp của đứa trẻ 4 tháng tuổi rất tinh tế. Vì chưa biết nói nên bé phải dựa vào những kỹ năng mà bé có để cố gắng thu hút sự chú ý của cha mẹ. Đó là khả năng khóc, rên rỉ, vồ lấy, thả, ném, cười khúc khích, mếu và nhìn chằm chằm.
Khi một đứa trẻ bỗng nhiên giao tiếp nhiều hơn, theo cách đặc biệt của bé, điều đó có nghĩa là sự phát triển thể chất và phát triển nhận thức của bé bắt đầu hoạt động một cách hòa hợp và nhịp nhàng. Và khi các hệ thống này kết hợp với nhau, chúng bắt đầu kết nối bé với thế giới rộng lớn ở bên ngoài. Điều quan trọng cha mẹ cần lưu ý là không phải tất cả mọi em bé đều có chung một kiểu giao tiếp, vì vậy, bạn hãy quan sát và lắng nghe thật nhiều để dò ra được "tần số" giao tiếp đặc biệt của con mình.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần nhớ rằng bé không quan tâm đến những gì bạn nói, cái bé cần trong cuộc giao tiếp chỉ là sự chú ý của cha mẹ. Bạn chỉ cần nói chuyện với con những câu chuyện bình thường hàng ngày là được.
Dấu hiệu nguy hiểm: Nếu một đứa trẻ không nhìn theo sự chuyển động của đồ vật, không phát âm hoặc không phản ứng với khuôn mặt của cha mẹ khi được 4 tháng tuổi thì có thể bé có vấn đề với sự phát triển nhận thức. Mặc dù không có lý do gì để quá lo lắng nếu em bé vẫn phát triển các kỹ năng khác, nhưng để yên tâm thì cha mẹ cũng nên trao đổi thêm với bác sĩ nhi khoa của bé.
2. Bé phát triển mạnh mẽ về thể chất
Giống như một cái mô tơ đã được khởi động, thể chất của bé phát triển toàn diện từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài một cách mạnh mẽ. Nghĩa là bé đã biết kiểm soát và điều khiển khéo léo tay, chân, đầu… Nếu để ý, cha mẹ sẽ thấy con mình sẽ nắm lấy bất cứ thứ gì trong tầm tay với, đồng thời còn biết chuyền đồ từ tay này sang tay kia, hoặc cầm đồ chơi lắc qua lắc lại.
Em bé 4 tháng tuổi cũng rất thích nếm mọi thứ, bởi đó là cách để bé khám phá thế giới xung quanh. Điều cha mẹ cần làm là không nên để những món đồ chơi hoặc đồ vật có kích thước nhỏ trong tầm với của bé, để tránh tai nạn bé cho đồ vào miệng và bị hóc nghẹn.
Ở độ 4 tháng tuổi, bé đã kiểm soát đầu khá tốt. Bằng chứng là khi lật sấp, bé đã giữ đầu và ngực thẳng đứng. Bé cũng có thể đã biết co chân để đẩy cơ thể mình lên. (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, ở thời điểm này, bé đã kiểm soát đầu khá tốt. Bằng chứng là khi lật sấp, bé đã giữ đầu và ngực thẳng đứng. Bé cũng có thể đã biết co chân để đẩy cơ thể mình lên. Thậm chí, có một số bé còn tìm ra cách chuyển từ nằm sấp thành nằm ngửa.
Chưa kể, nếu được cha mẹ giữ 2 cánh tay kéo nửa người trên để ngồi thì trông bé khá ổn định và rất thích thú khi nhìn ngó xung quanh một cách tự do. Còn khi được bế đứng, bé đủ khỏe để đỡ cơ thể bằng 2 chân của mình.
Dấu hiệu nguy hiểm: Đúng là không phải bé 4 tháng tuổi nào cũng biết lăn người từ nằm sấp sang nằm ngửa, nhưng nếu một em bé có cử động thất thường, dường như không kiểm soát được đầu, tay chân nắm chặt, mềm yếu, thì cha mẹ nên suy nghĩ đến việc cho con đi gặp bác sĩ.
Ngoài 2 cột mốc phát triển quan trọng ở trên, ở thời điểm 4 tháng tuổi, bé đã có chu kỳ ngủ rõ ràng với vài giấc ngủ vào ban ngày và ngủ xuyên suốt ban đêm. Tuy nhiên, khái niệm ngủ xuyên đêm ở đây không có nghĩa là bé sẽ không tỉnh giấc vào ban đêm. Bé vẫn sẽ tự nhiên thức dậy giữa các chu kỳ ngủ giống như người lớn. Điều cha mẹ cần làm là đừng vội lao vào dỗ con, mà hãy chờ xem con có tự ngủ lại được hay không.
Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/4-thang-tuoi-cot-moc-quan-trong-danh-dau-su-phat-trien-vuot-bac-ve-the-chat-va-nhan-thuc-cua-be-20191120200651183.chn