Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Nguồn_AP

Mặc dù xảy ra cách Australia nửa vòng trái đất song sự kiện này vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả chính quyền và người dân Australia không chỉ bởi Mỹ là đồng minh rất quan trọng của nước này mà chính sách của Mỹ trong bốn năm tới sẽ tác động đến nền kinh tế của Australia, các vấn đề về an ninh, quốc phòng...

Australia không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ bởi kết quả của cuộc bầu cử này không chỉ quyết định ai sẽ là chủ nhân của Nhà Trắng trong 4 năm tới mà còn tác động đến bối cảnh an ninh chiến lược và kinh tế của toàn thế giới.

Với Australia, ngoài các chính sách đối với các điểm nóng thế giới hiện nay như Ukraine hay Trung Đông, quan điểm của chính quyền mới tại Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc hay về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, hoạt động thương mại quốc tế hay thỏa thuận AUKUS và quan hệ với các đồng minh là những chủ đề mà nước này rất quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Australia.

Nếu như trong quá trình vận động tranh cử, Phó Tổng thống Kamala Harris không bộc lộ nhiều quan điểm về các vấn đề quốc tế thì quan điểm và cách hành động của cựu Tổng thống Donald Trump trong các vấn đề quốc tế lại khá rõ ràng qua nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên cũng như trong quá trình vận động tranh cử vừa qua. Tuy nhiên, cho dù là ai sẽ là người giành chiến thắng thì Australia cũng cần theo dõi sát để có sự điều chỉnh và phối hợp nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia.

Quan hệ Mỹ-Trung Quốc

Trung Quốc không chỉ là nền kinh tế lớn thứ 2 của thế giới mà còn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia với tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt hơn 327 tỷ AUD. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn là quốc gia có nhiều ảnh hưởng trong khu vực vì vậy quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc không chỉ là công việc riêng của hai nước này mà còn tác động tới bối cảnh an ninh chiến lược và kinh tế của thế giới, trong đó sẽ có những tác động trực tiếp tới Australia.

Cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đều cho rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Mỹ nên được dự đoán sẽ đều cứng rắn với Trung Quốc. Tuy vậy, Phó Tổng thống Harris chưa bày tỏ thái độ quyết liệt với Trung Quốc mà mới chỉ dừng lại ở việc khẳng định sẽ có các nỗ lực để đảm bảo Mỹ sẽ dẫn trước Trung Quốc nên chưa thể biết được đường hướng chính sách với Trung Quốc nếu bà Harris thắng cử.

Trong khi đó cựu Tổng thống Donald Trump thì không ngần ngại mà tuyên bố rằng sẽ tăng thuế có thể lên đến 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc của nước này vào hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, thép, dược phẩm, đất hiếm. Đồng thời ông Trump cũng đã gửi tín hiệu về khả năng ngăn cản các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc và cấm chính quyền hợp tác với các công ty ký hợp đồng với Trung Quốc.

Vì Trung Quốc là đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Australia nên nếu Mỹ cứng rắn với Trung Quốc và làm cho nền kinh tế phát triển chậm lại thì Australia cũng bị ảnh hưởng khi Trung Quốc giảm nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là trong các mặt hàng chủ lực như than đá, quặng sắt hay một số tài nguyên khác.

Không chỉ trên khía cạnh kinh tế, khi quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng cũng đẩy Australia vào thế khó xử khi phải cân bằng giữa một bên là đồng minh thân cận (là Mỹ) với một bên là đối tác thương mại lớn nhất. Tất nhiên Australia không muốn mất lòng bên nào để ảnh hưởng đến quan hệ của mình với Mỹ hay Trung Quốc nên nước này không muốn quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc quá căng thẳng khiến cho nước này bị hai bên lôi kéo.

Thỏa thuận AUKUS

Thỏa thuận AUKUS là một trọng tâm trong chính sách quốc phòng của Australia giúp nước này nâng cao năng lực bảo vệ đất nước trong bối cảnh mới. Thỏa thuận này không chỉ giúp Australia trang bị hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và còn giúp nước này cùng với 2 đối tác khác là Mỹ và Anh đẩy mạnh phát triển các công nghệ quan trọng không chỉ đối với ngành quốc phòng mà với cả tương lai của thế giới như máy tính lượng tử. Vì vậy, quan điểm của người đứng đầu Nhà Trắng trong 4 năm tới rất quan trọng khi nó có thể khiến cho các dự án trong khuôn khổ AUKUS được diễn ra thuận lợi hoặc cũng có thể bị cản trở và thậm chí là hủy bỏ.

AUKUS là thỏa thuận được ký với chính quyền của Tổng thống Biden vì vậy, dư luận Australia cho rằng, nếu thắng cử, bà Harris cũng có thể sẽ ủng hộ thỏa thuận này. Vấn đề hiện tại là nếu cựu Tổng thống Trump thắng cử thì điều gì sẽ diễn ra. Ông Michael Fullilove, Giám đốc Viện Lowy, một cơ quan nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Australia cho biết, qua cuộc tiếp xúc của ông với người trong đội ngũ của ông Trump thì biết được rằng ông Trump ủng hộ thỏa thuận AUKUS vì vậy Australia đang hy vọng rằng thỏa thuận AUKUS sẽ không bị ảnh hưởng nếu ông Trump hay bà Harris chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11 tới. Theo ông Richard McGregor, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Lowy, Australia không chỉ mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ mà còn đầu tư vào ngành công nghiệp tàu ngầm của Mỹ để đảm bảo có thể đủ năng lực cung cấp tàu cho Australia nên sẽ thu hút được sự ủng hộ của cựu Tổng thống Trump.

Tuy vậy các nhà nghiên cứu Australia cũng không hoàn toàn lạc quan bởi những gì diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên làm Tổng thống Mỹ từ năm 2017 đến năm 2021 đã cho thấy ông là một người khó đoán và thường có những quyết sách bất ngờ. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu Australia cũng cho rằng nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên cũng cho thấy ông Trump không ngần ngại loại bỏ các thỏa thuận mà người tiền nhiệm đã ký nên dù không mong muốn những cũng không loại trừ khả năng có thể có thay đổi liên quan đến thỏa thuận AUKUS.

Khu vực Thái Bình Dương

Thái Bình Dương là khu vực láng giềng của Australia nên sự ổn định và thịnh vượng ở đây tác động trực tiếp đến bối cảnh an ninh và sự phát triển của Australia. Trong những năm gần đây, khu vực này trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược trong đó, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng trong nhiều mặt từ chính trị, ngoại giao tới an ninh, quốc phòng để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Trong đó, Australia, New Zealand, Mỹ, lo ngại sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc trong khu vực có thể đe dọa tới lợi ích của các nước này. Vì vậy, mặc dù Thái Bình Dương có thể không phải là một mối quan tâm lớn đối với các ứng cử viên Tổng thống Mỹ song lại là chủ đề được Australia rất quan tâm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hai lần tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương trong đó đưa ra cam kết chi 1 tỷ AUD để tăng cường sự phục hồi ttrong khu vực và thúc đẩy hoạt động hợp tác phát triển. Đồng thời trong khuôn khổ quan hệ đối tác giữa Mỹ và các nước Thái Bình Dương được công bố vào năm 2022 cho biết “hai bên chia sẻ tầm nhìn về một khu vực Thái Bình Dương kiên cường, hòa bình, hòa hợp, an ninh, xã hội hòa nhập và thịnh vượng” nên Australia cho rằng, nếu bà Harris trở thành Tổng thống…của Mỹ thì nhiều khả năng sẽ tiếp nối chính sách này, góp phần vào nỗ lực của Australia trong việc cân bằng ảnh hưởng trong khu vực.

Tuy vậy, nếu ông Trump quay trở lại Nhà Trắng thì Australia có khi phải tính đến nhiều phương án khác. Bởi vốn dĩ ông Trump là người luôn đặt lợi ích nước Mỹ lên trên hết và không muốn can dự ở quá nhiều nơi trên thế giới cũng như không muốn phải chi tiền vào những kế hoạch mà chưa ngay lập tức mang lại những lợi ích thiết thực cho Mỹ nên nếu trở thành người đứng đầu chính phủ Mỹ thì cũng không loại trừ khả năng ông Trump sẽ giảm cam kết với khu vực và có thể là trì hoãn thực hiện các cam kết với khu vực này. Và đây là điều mà Australia rất lo ngại.

Biến đổi khí hậu

Biển đổi khí hậu cũng là một chủ đề mà Australia rất quan tâm bởi nước này đang nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế và phấn đấu trở thành quốc gia đi đầu thế giới về năng lượng tái tạo. Vì vậy, nếu chính quyền mới tại Mỹ cũng quan tâm tới vấn đề này và có nhiều nỗ lực thúc đẩy các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng thì sẽ tạo ra tạo động lực cho các quốc gia khác, trong đó Australia theo đuổi kế hoạch này. Bên cạnh đó, sự tích cực của Mỹ trong các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu cũng chung tay cùng với Australia các quốc gia đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải vào năm 2030 và hướng tới việc đưa phát thải ròng về không vào năm 2050.

Hiện tại, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris có quan điểm trái ngược trong biến đổi khí hậu vì vậy Australia đang rất quan tâm tới kết quả bầu cử Mỹ.

Quan điểm của cựu Tổng thống Donald Trump về biến đổi khí hậu không còn quá xa lạ khi ông luôn là người không tin vào sự tồn tại của biến đối khí hậu. Trong giai đoạn làm Tổng thống trước kia ông Trump đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris và tiếp tục có ý định giữ Mỹ ở bên ngoài thỏa thuận này nếu được tại nhiệm. Đồng thời ông Trump cũng cho biết sẽ rút Mỹ ra khỏi Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu. Với quan điểm này, nếu ông Trump tái đắc cử thì không chỉ Australia mà các quốc gia trên thế giới sẽ cần tính toán lại kế hoạch của mình.

Trái ngược với cựu Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris lại công nhận mức độ cấp thiết của biến đổi khí hậu và đã bỏ phiếu để Quốc hội thông qua Luật Giảm lạm phát để chi 370 tỷ USD vào các nỗ lực cắt giảm 40% khí nhà kính vào năm 2030. Vì vậy, nếu bà Harris chiến thắng thì dường như nỗ lực cắt giảm khí nhà kính và chuyển đổi năng lượng của Australia và các nước trên thế giới sẽ được tiếp thêm động lực.       

Là một trong những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong mọi mặt nên việc Mỹ có chính quyền mới không chỉ còn là câu chuyện nội bộ của riêng nước này mà còn là sự kiện được cả thế giới quan tâm, trong đó có Australia. Tuy vậy rất khó để dự đoán được kết quả bầu cử Mỹ nên vào ngày 5/11 tới, không chỉ cử tri Mỹ mà người dân Australia cũng sẽ theo dõi sát cuộc bầu cử này.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VOV.