Bạn có đang cố sức chạy theo những thứ hào nhoáng?
Ắt hẳn trong số các bạn, sẽ có những người sống với bậc phụ huynh của mình. Bố mẹ của tôi đã nghỉ hưu gần một thập kỷ. Mẹ tôi đang ở những năm đầu 60, còn bố tôi trong độ tuổi U70. Điều đáng nói ở đây là họ không bao giờ để bản thân trở thành gánh nặng cho con cái của mình.
Trong khi đó, tôi biết có những bậc phụ huynh đã nghỉ hưu nhưng họ có một lối sống khác. Hãy lấy bố mẹ vợ tôi làm ví dụ. Họ xấp xỉ tuổi bố mẹ tôi nhưng họ vẫn chưa nghỉ hưu. Thay vào đó, họ đi du lịch rất nhiều với lí do rằng họ nên đi khi họ còn sức khỏe. Và họ đang tiêu tốn rất nhiều, dù họ đưa ra lý giải rằng họ vẫn còn có thể kiếm được tiền.
Một cuộc sống xa hoa ở thì-hiện-tại
Vấn đề được đặt ra ở đây là: mọi người thường tiêu quá nhiều tiền cho hiện tại thay vì để dành cho tương lai. Những hạng mục như quần áo, xe cộ, du lịch luôn có vẻ quan trọng hơn tiết kiệm tiền cho thời gian nghỉ hưu.
Ảnh: Pexels
Trên thực tế, một cuộc sống với tài chính cân bằng bao gồm việc bạn chi trả cho những nhu cầu cần thiết và có một khoảng để dành. Có một lời khuyên rằng, bạn nên để dành 10% thu nhập của mình cho tương lai. Vì chúng ta đâu biết rằng khi nào những điều xui rủi như bệnh tật, tai nạn hay mất việc có thể xảy ra. Nếu bạn tiêu hết từng đồng xu mình kiếm được, nó cũng đồng nghĩa với việc bạn bước trên một sợ dây giăng cao vậy.
Nhiều người vẫn tin vào lương hưu hay trợ cấp xã hội. Nhưng tin tôi đi, nó không đủ chi trả cho cuộc sống của bạn đâu! Do đó, hãy biến việc dành dụm ít nhất 10% thu nhập của mình cho tương lai thành thói quen đi, vì bạn không thể nào làm việc đến khi bạn qua đời được. Và hầu hết mọi người không tiết kiệm đủ cho những ngày nghỉ hưu của họ.
Tại sao mọi người thường chi quá nhiều tiền?
Quay trở lại với câu chuyện tỏ ra giàu có. Tại sao mọi người làm thế nhỉ? Có bao giờ bạn thắc mắc chuyện đó không?
Câu trả lời thật ra rất đơn giản. Đa số chúng ta thường bị mờ mắt bởi những thứ phù phiếm, xa hoa. Những thứ đó mang lại cho chúng ta niềm tin rằng nếu sở hữu chúng, cuộc sống ta sẽ trở nên (hoặc có vẻ) giàu có và sung túc. Lấy việc cân nhắc việc mua một chiếc iPhone mới và tiết kiệm làm ví dụ xem, bạn sẽ chọn cái nào?
Mọi người sống với mức chi tiêu cao hơn so với thu nhập, và đôi khi, họ còn mắc nợ ngân hàng qua các khoản vay hay thẻ tín dụng. Có một số lý do được đưa ra để giải thích cho việc cố tỏ ra giàu có, hãy cùng tham khảo xem nhé!
1. Muốn gây ấn tượng với người khác
Thật sự việc người khác có chú ý đến bạn hay không vẫn còn gây tranh cãi rất nhiều. Có bao nhiêu người sẽ tán dương chiếc xe bạn lái? Hay bao nhiêu sẽ trầm trồ trước những bộ cánh sành điệu và những món trang sức đắt tiền? Thật sự là rất ít, hoặc chẳng-một-ai.
Ảnh: Unsplash
Thay vì thế, hãy dành thời gian và tiền bạc để trau dồi bản thân. Đến khi bạn đã đủ tự tin, bạn không cần phải dựa vào những thứ vật chất bên ngoài để khẳng định mình nữa.
2. Tiêu tiền làm bạn cảm thấy tốt hơn
Hiệu ứng dùng tiền mua sắm đôi khi sẽ làm bạn cảm thấy tốt hơn trong một số tình huống. Dần dần, bạn sẽ tự cho rằng đây là một hình thức để “xả stress”. Nhưng bạn biết không, hình thức này vừa tốn kém, vừa tốn thời gian và không có giá trị thực tiễn.
3. Bị chi phối quá nhiều bởi truyền thông
Đã bao giờ bạn cứ liên tục bắt gặp một sản phẩm trên mạng xã hội và cuối cùng đi đến quyết định mua nó chưa? Nếu rồi, xin chia buồn, bạn đã sập bẫy rồi.
Ảnh: Pexels
Các phương tiện truyền thông ảnh hưởng rất lớn đến thói quen chi tiêu. Cho nên, thay vì dành hàng tiếng đồng hồ lướt Facebook, Instagram hay xem TV, hãy hạn chế chúng. Việc giảm bớt tiếp xúc với truyền thông sẽ tiết kiệm kha khá cho bạn đấy.
4. Ảnh hưởng từ bạn bè và những người xung quanh
Bạn có biết mình là trung bình cộng của 5 người gần gũi nhất không?
Ảnh: Unsplash
Vì thế, hãy cẩn thận chọn bạn và chọn chỗ ở để bạn không phải là người có thu nhập thấp nhất. Khi ấy, áp lực để trở nên giàu có và đuổi kịp những người xung quanh sẽ giảm bớt. Bên cạnh đó, hãy cố gắng cải thiện thu nhập bằng cách phát triển sự nghiệp của mình.
5. Quan niệm “sống hết mình khi còn trẻ”
Khi khái niệm YOLO – you only live once (tạm dịch: Bạn chỉ sống một lần duy nhất) trở nên phổ biến, giới trẻ thường cố chi hết từng đồng họ có thay vì tiết kiệm cho tuổi già. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng: “Khi mình già đi, mình sẽ kiếm được tiền thôi” hoặc “cứ sống hết mình cho hôm nay đi, ai biết ngày mai thế nào”.
Điều này không sai, nhưng lại chỉ đúng vào vài trường hợp. Bạn cần có thời gian tận hưởng để tìm thêm cảm hứng sáng tạo và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, nhưng không nên vin vào lý lẽ đó để sống buông thả, bỏ qua trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh.
Vấn đề ở đây là bạn đơn giản không biết tương lai của mình sẽ mang lại điều gì. Liệu 20 năm bạn sẽ ra sao? Không ai biết được điều đó. Do đó, tiết kiệm đơn thuần là một quỹ an toàn để bạn có thể sống tốt những năm tháng về sau.
Lời kết
Hưởng thụ cuộc sống là điều tốt. Đó có lẽ là điều mà nhiều người mãi vẫn chưa học được. Tuy nhiên, hãy hưởng thụ có chừng mực và chuẩn bị cả cho tương lai. Có thể cảm giác vui sướng sẽ làm bạn thỏa mãn trong hiện tại. Nhưng nó không kéo dài lâu đâu. Một ngày nào đó, bạn sẽ cảm thấy rất căng thẳng khi nghĩ về cuộc sống hoặc khi bạn “ở cái dốc bên kia của cuộc đời”.
Điều tốt nhất bạn có thể làm là bắt đầu tiết kiệm cho nghỉ hưu ngay hôm nay. Hãy sống “bớt giàu” đi một chút, tìm thấy niềm vui thực sự trong những điều giản dị và cố gắng đảm bảo cho tương lai của bản thân để không phải làm phiền bất cứ ai sau này.
Article sourced from GUU.
Original source can be found here: https://guu.vn/ban-co-dang-co-to-ra-giau-co-khong-y90Q4jvkUa7Ag.html