Bác sĩ Mỹ giải mã chiêu tấn công khó ngờ của Covid-19
Một sĩ quan cảnh sát giúp nhân viên y tế đưa xác một bệnh nhân ra khỏi nhà trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành ở New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Theo hãng tin CNN, các bác sĩ cho biết, nhiều người nhiễm virus có thể không muốn gọi cho 911 vì nghe tin các bệnh viện đều đang quá tải với các ca Covid-19. Ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy virus corona chủng mới có thể làm máu vón cục một cách rất bất thường ở nạn nhân, và đột quỵ là hệ lụy khó ngờ.
Bác sĩ Thomas Oxley, chuyên gia giải phẫu thần kinh tại Hệ thống Y tế Mount Sinai ở New York, cùng đồng nghiệp đã công bố chi tiết 5 ca bệnh mà họ chữa trị. Tất cả đều chưa đến 50 tuổi và không hề có triệu chứng Covid-19 hay bất kỳ biểu hiện bệnh nào.
"Virus dường như gây tăng đông máu trong các động mạch lớn, dẫn đến đột quỵ nghiêm trọng", bác sĩ Oxley nói với CNN. "Báo cáo của chúng tôi cho thấy mức tăng đột quỵ bất ngờ cao gấp 7 lần ở những bệnh nhân trẻ trong 2 tuần qua. Hầu hết họ không có tiền sử nhiễm bệnh nào và đều ở nhà khi có một số triệu chứng nhẹ (hoặc không hề có triệu chứng ở hai trường hợp) của Covid-19".
"Tất cả đều có kết quả xét nghiệm dương tính. Hai ca đã trì hoãn gọi xe cấp cứu", ông cho biết thêm.
Các bác sĩ cũng nêu ra tình trạng nhiều người ở Mỹ không muốn gọi 911 hoặc tới phòng cấp cứu.
Đột quỵ ở những người trẻ vốn không phổ biến, đặc biệt là đột quỵ trong các mạch lớn ở não. "Nếu đem so, trong 12 tháng qua, cơ sở của chúng tôi chỉ điều trị trung bình hai tuần cho 0,73 bệnh nhân dưới tuổi 50 bị đột quỵ mạch lớn", nhóm của ông Oxley viết trong báo cáo được Tạp chí y khoa New England đăng tải.
Một cơn đột quỵ xảy ra trong mạch máu lớn có thể gây thương tổn nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Bác sĩ Oxley cho biết, ít nhất một bệnh nhân đã qua đời, còn những người khác phải đến các trung tâm hồi phục chức năng, chăm sóc tích cực hoặc vào khu chuyên biệt. Chỉ có một bệnh nhân được về nhà nhưng vẫn phải điều trị tích cực.
"Một người bình thường đột quỵ ở mạch lớn thường bị tổn thương rất nặng. Có nghĩa là có một cục máu đông lớn hơn. Nó bao gồm một trong những mạch lớn nhất trong não", ông giải thích.
Các tế bào não chết đi khi dòng máu bị chặn lại, và tình trạng này càng kéo dài lâu thì tổn thương ở não càng lớn. Bệnh nhân có cơ hội được cứu sống cao hơn nếu được điều trị kịp thời.
"Điều trị hiệu quả nhất cho đột quỵ mạch lớn là loại bỏ cục máu đông, nhưng điều này phải được thực hiện trong vòng 6 giờ, thỉnh thoảng mới có trường hợp trong vòng 24 giờ", vị chuyên gia về giải phẫu thần kinh nói thêm.
Oxley cho biết, nhóm của ông muốn khuyến cáo mọi người hãy tự theo dõi bản thân về các triệu chứng nhiễm virus corona chủng mới và hãy gọi số điện thoại khẩn cấp nếu có dấu hiệu đột quỵ. "Cho đến nay, mọi người được khuyến cáo chỉ gọi xe cứu thương nếu khó thở hoặc sốt cao", ông nói.
Bác sĩ Oxley nhắc lại cách để dễ dàng nhận biết về đột quỵ là "FAST", trong đó F là gục mặt (face drooping), A là cánh tay bị yếu (arm weakness), S là nói khó (speech difficulty) và T là thời gian gọi đến số điện thoại khẩn cấp.
Article sourced from VIETNAMNET.
Original source can be found here: http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/bac-si-my-giai-ma-chieu-tan-cong-kho-ngo-cua-covid-19-635934.html