Ba mẹ hay cấm đoán sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của con

02:00' 05-11-2020
Việc cha mẹ bắt trẻ ngừng đặt câu hỏi, không được khóc hay mắc sai lầm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển của con.

Cha mẹ thường đặt ra những hạn chế để giữ con cái trong tầm kiểm soát. Các nhà tâm lý học cho rằng việc đặt ra những giới hạn sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn và bình tĩnh hơn trong mọi việc.

Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng một số hạn chế nhất định lại có thể gây tác dụng ngược, khiến trẻ thấy khó chịu, bất an. Các nhà tâm lý học khuyên cha mẹ không nên đưa ra lệnh cấm đoán khi nuôi dạy con cái. Một số điều ngăn cấm có thể ảnh hưởng tiêu cực sự phát triển và tâm lý của trẻ.

Đặt câu hỏi

Trong giai đoạn phát triển của mỗi đứa trẻ, việc khám phá và đặt câu hỏi về thế giới tự nhiên là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, cha mẹ thường cảm thấy khó có thể trả lời tất cả câu hỏi của trẻ, đặc biệt khi họ mệt mỏi. Dù những câu hỏi liên tục của trẻ khiến bạn khó chịu, đó là cách thúc đẩy bộ não đang phát triển của chúng.

Việc kiên nhẫn trả lời cho trẻ không chỉ giúp chúng phát triển mà còn tạo ra mối liên kết bền chặt giữa cha mẹ và con cái. Mối liên kết này sẽ được duy trì ngay cả khi con bạn đã trưởng thành.

Theo New York Times, nghiên cứu của Đại học bang California, Fullerton (Mỹ), chỉ ra những đứa trẻ càng có động lực học sớm, chúng càng có nhiều khả năng thành công sau này. Nghiên cứu cho thấy không phụ thuộc vào IQ, những đứa trẻ đặc biệt tò mò, thích khám phá, sẽ học tập tốt và có điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn.

Ngoài ra, trẻ phát huy khả năng tư duy như thế nào cũng phụ thuộc vào cách trả lời của cha mẹ có thể làm con hài lòng và tạo động lực cho chúng đặt nhiều câu hỏi hơn không.

Việc cấm đoán trẻ có thể khiến bé khó chịu, ấm ức. Ảnh: Todayparents.

Tức giận

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), giống như bạn, trẻ cũng có những cảm xúc tiêu cực như tức giận, ghen tị với bạn bè. Giận dữ là cảm xúc bình thường và hữu ích, thể hiện phản ứng của trẻ khi cảm thấy điều gì đó không đúng hoặc công bằng.

Bạn nên nhớ rằng trẻ chưa đủ khả năng để kiểm soát bản thân. Vì vậy, chúng sẽ không ngừng bày tỏ cảm xúc của mình khi bộc phát. Cấm đoán trẻ trong trường hợp này chỉ khiến các bé ấm ức, khó chịu hơn. Lúc này, bạn nên bình tĩnh tìm hiểu vấn đề của trẻ và cùng con giải quyết.

Khóc

Mỗi khi thấy con khóc, thay vì dỗ dành, nhiều cha mẹ lại dọa nạt, đánh đòn khi con không dừng. Trẻ em cảm nhận thế giới theo cách khác biệt so với người lớn. Chúng cảm thấy mọi thứ sinh động và cũng nhạy cảm hơn nhiều.

Vì vậy, cha mẹ đừng cấm con khóc và la mắng khiến chúng xấu hổ khi khóc. Thay vào đó, bạn nên tìm hiểu vì sao con khóc và đưa ra cách giải quyết hợp lý cho con.

Nói “không” với bất kỳ điều gì

Trẻ không phải là vật sở hữu riêng của cha mẹ, chúng là thành viên trong gia đình. Cha mẹ không thể bắt buộc con cái nói "có" hay "đồng ý" với những việc mà chúng không thích. Điều đó đồng nghĩa bạn đã vi phạm quyền riêng tư của trẻ.

Khi biết nói "không", trẻ đã suy nghĩ độc lập, có khả năng tự quyết định một số vấn đề của mình. Thay vào đó, bạn nên tự đặt mình vào suy nghĩ và tình huống của trẻ để hiểu các bé hơn.

Cha mẹ nên đặt mình vào suy nghĩ của trẻ để hiểu hơn về con. Ảnh: Medium.

Mắc sai lầm

Không ai thích phạm sai lầm, và thậm chí tồi tệ hơn nếu bị la mắng. Trẻ sẽ không còn muốn làm, khám phá điều gì khi liên tục bị mắng mỏ vì lỗi của mình. Cha mẹ nên giúp con tìm ra nguyên nhân và hướng dẫn trẻ không để mắc lại sai lầm đó vào lần sau.

Theo tạp chí Simply Family, bằng cách học hỏi từ sai lầm, trẻ có thể đối mặt và trưởng thành từ những thất bại. Ngoài ra, khi nhận ra mình đã sai ở đâu, trẻ sẽ không cảm thấy tức giận hoặc hình thành hành vi sai trái.

Bên cạnh đó, việc đối mặt với thất bại khiến trẻ ít có cảm giác lo lắng. Về lâu dài, trẻ có thể phát hiện được điểm mạnh và yếu của mình để trang bị kiến thức tốt hơn khi giải quyết vấn đề. Điều này giúp trẻ tự chủ và độc lập hơn. Thay vì trông mong vào sự trợ giúp từ bên ngoài, trẻ học được cách tự giải quyết vấn đề.

Có bí mật

Càng lớn, trẻ càng cần có quyền riêng tư và những bí mật. Cha mẹ có thể quan tâm cuộc sống nhưng không được xâm phạm vào sự riêng tư của bé. Việc bạn xem nhật ký, tin nhắn điện thoại của trẻ có thể đánh mất sự tin tưởng của chúng.

Điều tốt nhất bạn có thể làm là trò chuyện, tâm sự và luôn tạo niềm tin cho trẻ. Khi đó, đến thời điểm thích hợp, bé sẽ chủ động nói ra những bí mật của mình để tìm kiếm những lời khuyên hữu ích từ bạn.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

địa điểm tổ chức tiệc cưới vô cùng tuyệt vời, hoàn hảo để tổ chức bất kỳ sự kiện nào.


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/nhung-dieu-cha-me-khong-nen-cam-tre-post1148702.html