Anh, Ấn Độ, Brazil - những 'lò ấp' biến chủng nCoV
Giới chức Anh từng hứng chỉ trích dữ dội ngay từ lúc Covid-19 mới khởi phát đầu năm 2020, do áp lệnh phong tỏa toàn quốc muộn hơn hầu hết quốc gia châu Âu khác. Cái giá phải trả cho thái độ chần chừ này là tỷ lệ tử vong trên đầu người vì Covid-19 của Anh cao hàng đầu khu vực, với hàng nghìn người thiệt mạng.
Ngay trong làn sóng đại dịch đầu tiên, nhiều nhà khoa học đã khuyên chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson nên theo đuổi chiến lược "dập dịch", bởi khi virus lây lan tự do trong các vật chủ khác nhau, chúng sẽ tiến hóa và đột biến. Quy mô lây nhiễm càng lớn, khả năng tiến hóa của virus càng cao, với những đột biến ngày càng nguy hiểm hơn.
Tuy nhiên, giới chức Anh phớt lờ cảnh báo này, hướng tới chiến lược làm chậm sự lây lan của virus và giảm áp lực lên hệ thống y tế, thay vì dập dịch hoàn toàn.
"Sau đợt phong tỏa vào mùa xuân, tỷ lệ lây nhiễm ở Anh đã giảm, nhưng chính phủ lại không thực hiện kịp thời những biện pháp cần thiết để ngăn chặn virus", Anthony Costello, giáo sư y tế toàn cầu và phát triển bền vững tại Đại học London, cựu giám đốc mảng sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định.
Người dân tụ tập trên phố khi các quán rượu đóng cửa ở Soho, thủ đô London, Anh, hồi tháng 12/2020. Ảnh: Reuters.
Việc chính phủ Anh khuyến khích người dân trở lại văn phòng, thậm chí chi tiền để người dân tới nhà hàng hồi mùa hè năm ngoái, được cho là "mở đường" cho Covid-19 trỗi dậy. Khi số ca nhiễm mới ngày càng cao, giới chức Anh vẫn phản ứng một cách hỗn loạn. Ngày 5/11/2020, Thủ tướng Johnson ban lệnh phong tỏa toàn quốc mới kéo dài 4 tuần, nhưng chỉ hơn một tuần sau lại thông báo chính sách rút ngắn thời gian cách ly.
Ngay sau đó, biến chủng B.1.1.7 xuất hiện và lây lan rất nhanh. Tháng 11/2020, khoảng 1/4 số ca mới ở thủ đô London nhiễm biến chủng nCoV này. Một tháng sau, tỷ lệ đó tăng lên gần 2/3. Đây cũng là thời điểm chính quyền công bố biến chủng B.1.1.7 có hơn 20 đột biến so với phiên bản gốc và khả năng lây nhiễm cao hơn 70%.
Không dừng lại trong lãnh thổ Anh, B.1.1.7 sau đó nhanh chóng lan tới nhiều nước châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới. Việc biến chủng này dần thay thế các chủng nCoV cũ dường như báo hiệu một "chương mới" vô cùng nguy hiểm của đại dịch.
"Tôi nghĩ chúng ta đang bước vào giai đoạn không thể lường trước, như một hệ quả của quá trình virus tiến hóa", chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Jeremy Farrar, lãnh đạo tổ chức từ thiện y tế Wellcome Trust, nhận định.
Trong khi Anh đang tràn trề hy vọng thoát khỏi đại dịch, với tỷ lệ nhiễm và tử vong vì Covid-19 giảm mạnh nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công, một biến chủng nCoV khác có tên B.1.617, lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 10/2020, lại gây ra thảm họa tại Ấn Độ, nơi đang ghi nhận khoảng 400.000 ca nhiễm mới và hàng nghìn người chết mỗi ngày.
Sau khi áp đặt một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, Ấn Độ dần nới lỏng các biện pháp hạn chế kể từ tháng 6/2020, nhằm nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị tổn hại nặng nề.
Vào thời điểm các số liệu Covid-19 của Ấn Độ có chiều hướng giảm, nhiều người đã tin vào khả năng đề kháng của dân Ấn Độ với nCoV. Một số chuyên gia thậm chí không loại trừ quan điểm Ấn Độ đang phát triển miễn dịch cộng đồng, bất chấp những ý kiến phản bác.
Các sự kiện tôn giáo và chính trị đông đúc cũng dần được nối lại, chưa kể đến hàng chục nghìn nông dân biểu tình ở New Delhi kể từ tháng 11/2020 nhằm phản đối luật nông nghiệp mới. Trong những sự kiện "siêu lây nhiễm" như vậy, biến chủng B.1.617 âm thầm lây lan, thổi bùng làn sóng Covid-19 thứ hai.
"Quan niệm miễn dịch cộng đồng đã thất bại ở Anh. Việc cho rằng Ấn Độ phát triển khả năng này là không có cơ sở", Prasun Chatterjee, phó giáo sư tại khoa lão khoa, Viện Khoa học Y khoa Ấn Độ (AIIMS), cho biết.
Niềm tin vào miễn dịch cộng đồng dường như sụp đổ trong làn sóng Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ. Hệ thống y tế quá tải, nguồn oxy cạn kiệt, đông đảo bệnh nhân nằm chờ chết, các lò hỏa táng hoạt động hết công suất, thúc đẩy cả thế giới dồn lực hỗ trợ.
Biến chủng B.1.617 đã lan sang nhiều nơi khác ở châu Á, cũng như Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, do chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng như những biến chủng nCoV khác, vai trò của B.1.617 trong đợt bùng phát dữ dội hiện nay của Ấn Độ không hoàn toàn rõ ràng.
Hàng chục nghìn tín đồ Hindu giáo tập trung bên sông Hằng tại thành phố Haridwar, bang Uttarakhand, Ấn Độ, hôm 12/4. Ảnh:AP.
Brazil, quốc gia thậm chí ghi nhận số người chết vì Covid-19 nhiều gần gấp đôi Ấn Độ, cũng rơi vào thảm cảnh với sự xuất hiện của biến chủng nCoV mới có tên P.1, được phát hiện từ đầu năm nay. Hồi cuối tháng 3, Brazil chiếm tới 1/4 số ca tử vong vì Covid-19 hàng ngày trên toàn cầu. Các thi thể tràn ngập nhà xác và nghĩa trang, trong khi hệ thống y tế chịu sức ép lớn chưa từng có trong lịch sử, dù Brazil từng dẫn đầu toàn cầu về phòng chống bệnh truyền nhiễm.
"Brazil có lẽ là nơi nguy hiểm nhất thế giới hiện nay. Đây là thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước. Cảm giác như chúng tôi đang ở giữa một cuộc chiến nghiêm trọng", Miguel Nicolelis, nhà thần kinh học tại Đại học Duke của Mỹ, trả lời phỏng vấn từ Sao Paulo, Brazil, hôm 25/3.
Bất chấp viễn cảnh đen tối trước mắt, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn không thay đổi cách tiếp cận trong ứng phó đại dịch. Năm ngoái, ông từng coi Covid-19 là một thuyết âm mưu của giới truyền thông, gọi đây là "cúm vặt", liên tiếp sa thải bộ trưởng y tế, quảng bá hiệu quả của thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine và các phương pháp điều trị Covid-19 chưa được chứng minh khác.
"Rất nhanh thôi, chúng ta sẽ trở lại cuộc sống bình thường", Bolsonaro trấn an người dân trong bài phát biểu trên truyền hình hồi tháng 3. Trước đó, ông còn chỉ trích những biện pháp phòng dịch do giới chức các bang áp đặt, nói rằng "tác dụng phụ của khẩu trang", bao gồm gây tức giận, đau đầu và khó tập trung, đã bắt đầu xuất hiện.
Giới chuyên gia y tế ngày càng lo ngại việc Bolsonaro không sẵn sàng và cũng không có khả năng kiểm soát cuộc khủng hoảng tại Brazil sẽ khiến cả thế giới đối mặt nguy hiểm, khi đất nước trở thành "lò ấp" những biến chủng nCoV mới.
Tổng thống Bolsonaro (trái) tiếp xúc người dân tại Dinh Planalto ở Brasilia, ngày 24/5/2020. Ảnh: AFP.
"Đại dịch sẽ không được kiểm soát nếu Brazil vẫn mất buông lỏng. 210 triệu dân tại đây được kết nối mật thiết với toàn thế giới. Sự vô trách nhiệm của Tổng thống đang làm suy yếu nỗ lực đưa toàn cầu thoát khỏi đại dịch", Nicolelis đánh giá.
Biến chủng P.1 đã chiếm ưu thế tại một số bang của Brazil và lan rộng ra bên ngoài biên giới đất nước. P.1 xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ hồi tháng 1 và cũng được tìm thấy tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nicolelis cảnh báo ngay cả khi chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ đang thuận lợi, nguy cơ từ các biến chủng mới vẫn tồn tại.
"Tôi không muốn đưa tin xấu, nhưng P.1 đã là vấn đề cũ. Brazil đang là phòng thí nghiệm ngoài trời lớn nhất thế giới cho các biến chủng nCoV. Chúng sẽ tìm được cách lọt ra khỏi Brazil, giống như quả bom hẹn giờ với đồng hồ đang đếm ngược", Nicolelis nhận định.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-sieu-lo-ap-bien-chung-ncov-4273690.html