7 nhân viên cứu trợ ở Gaza thiệt mạng vì đòn không kích của Israel

16:00' 08-04-2024
Nhầm lẫn nghiêm trọng trong nhận diện mục tiêu và quy trình liên lạc có vấn đề là nguyên nhân khiến Israel tấn công nhầm đoàn viện trợ ở Gaza.

Đoàn xe ba chiếc chở nhân viên nhóm cứu trợ Bếp ăn Trung tâm Thế giới (WCK) đang chạy dọc theo con đường ven biển của Dải Gaza vào tối 1/4. Trong bóng đêm, phía trên đầu họ, một máy bay không người lái (UAV) của quân đội Israel đang quét tìm các tay súng Hamas.

Người điều khiển UAV không nhìn thấy biểu tượng WCK trên nóc xe do trời tối, đồng thời phát hiện một người đàn ông có vũ trang đứng trên xe tải và nhận định nhóm vũ trang Hamas đã chiếm giữ xe, nên xác định đây là mục tiêu thù địch và khai hỏa.

Tên lửa thứ nhất lao xuống chiếc xe đầu tiên của WCK. Khi những người sống sót bên trong xe chạy ra ngoài, hướng về chiếc xe thứ hai, lính Israel quyết định tiếp tục tấn công. Hai người chạy được sang xe thứ ba, nhưng nó cũng trúng đòn không kích ngay sau đó.

Ba chiếc xe gần như bị phá hủy hoàn toàn, 7 nhân viên WCK thiệt mạng khi đang trên đường trở về sau chuyến mang thực phẩm đến cho những dân thường đang sống lay lắt ở Gaza. Những người thiệt mạng gồm công dân Australia, Anh, Ba Lan, Palestine và một người mang hai quốc tịch Mỹ - Canada.

Cuộc tấn công đã vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 4/4 đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Ông cảnh báo hỗ trợ của Washington sẽ phụ thuộc vào việc Tel Aviv nỗ lực bảo vệ nhân viên cứu trợ và dân thường đến đâu.

Một trong ba chiếc xe của nhóm Bếp ăn Trung tâm Thế giới bị quân đội Israel không kích hôm 1/4. Ảnh: AFP

"Đây không phải một sự việc đơn lẻ", Tổng thống Biden hôm 3/4 nói về cuộc tập kích. "Israel chưa nỗ lực hết mình để bảo vệ các nhân viên đang mang hàng cứu trợ vô cùng cần thiết cho dân thường".

Bộ Quốc phòng Israel ngày 5/4 công bố kết quả điều tra, thừa nhận đòn tập kích nhằm vào đoàn xe cứu trợ là "sai lầm nghiêm trọng bắt nguồn từ nhận dạng nhầm lẫn, sai sót trong quá trình ra quyết định và hành động trái với quy trình tác chiến tiêu chuẩn"

Quân đội Israel (IDF) đã cách chức một đại tá tham mưu trưởng lữ đoàn và một thiếu tá thuộc lữ đoàn yểm trợ hỏa lực, đồng thời khiển trách hàng loạt lãnh đạo cấp cao, trong đó có một tướng đứng đầu Bộ tư lệnh miền Nam. Lực lượng này cũng khẳng định đã rút ra nhiều bài học từ vụ tập kích

Nửa năm qua, nhằm đáp trả vụ tấn công hồi tháng 10 năm ngoái của Hamas, Israel đã tiến hành chiến dịch quy mô lớn nhằm tiêu diệt nhóm chiến binh này tại Gaza. Theo cơ quan y tế khu vực, Liên Hợp Quốc và các tổ chức theo dõi nhân quyền, giao tranh đã gây ra thương vong rất lớn cho cả dân thường, các nhân viên cứu trợ và nhà báo.

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, kể từ khi chiến sự nổ ra, gần 200 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng, dù Israel tuyên bố họ không nhắm mục tiêu vào dân thường.

Các nhóm viện trợ đang cố gắng cảnh báo quân đội Israel về những trở ngại họ gặp phải khi hoạt động, bắt nguồn từ thông tin sai lệch của Tel Aviv. Đoàn xe WCK đã thông báo kế hoạch về chuyến đi với IDF. Họ vượt qua các trạm kiểm soát do Israel thiết lập, đi trên con đường được sử dụng riêng cho mục đích vận chuyển hàng viện trợ, nhưng vẫn bị tấn công.

Những người quen thuộc với hoạt động của lực lượng Israel cho biết quân đội thường trao quyền cho các chỉ huy trên mặt trận ra lệnh phát động không kích. Theo các cố vấn pháp lý quân sự Israel, những quy tắc giống như một loạt thủ tục cần tuân thủ, phụ thuộc vào tình hình. Nhìn chung, có hai kiểu không kích.

Đầu tiên là các cuộc tấn công theo kế hoạch vào những mục tiêu đã xác định trước, thường dựa trên dữ liệu từ một cỗ máy AI có tên là Lavender. Loại thứ hai dựa trên thông tin thời gian thực. Chúng thường được thực hiện bằng UAV, nhằm vào những mục tiêu nghi vấn do binh sĩ trên mặt đất xác định.

Một sĩ quan chỉ huy từ phòng điều khiển UAV tại căn cứ không quân sẽ liên lạc làm việc với các chỉ huy ở cấp sư đoàn, lữ đoàn hoặc đại đội, những người có thể ra lệnh tấn công.

Cả hai hình thức trên đều có thể cần cấp chỉ huy cao hơn phê duyệt, tùy thuộc vào địa điểm tấn công và mức độ thiệt hại.

"Khi bạn nhận được những nhiệm vụ không cụ thể từ chính phủ, không rõ là tiêu diệt, triệt hạ hay quét sạch Hamas, đến một lúc nào đó, những thứ như vậy sẽ phải được chuyển thành nhiệm vụ cụ thể trên thực địa cho các binh sĩ và đơn vị thực hiện", tướng Joseph Votel, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) nói.

Với những mệnh lệnh như vậy, mối lo ngại về nhân đạo ít được chú ý hơn, ông cho hay.

Binh lính Israel không phải lúc nào cũng phân biệt được rõ ràng giữa dân thường và các tay súng Hamas. Những người lính dự bị cho biết Hamas mặc quần áo bình thường và đi lại mà không mang theo vũ khí. Họ sẽ nhặt vũ khí giấu trong khu dân cư khi giao chiến với quân đội Israel.

Tel Aviv cáo buộc Hamas ẩn náu trong cộng đồng dân cư và các bệnh viện, song nhóm này phủ nhận việc sử dụng dân thường làm lá chắn sống.

Bối cảnh đô thị của Gaza khiến việc tấn công chính xác trở nên khó khăn với quân đội Israel. Hamas là một lực lượng du kích chiến đấu trong lòng dân thường, giữa khu vực rộng hơn 369 km2. Người dân bị mắc kẹt ở vùng đất ven biển với một bên là Israel và một bên là Ai Cập. Các khu định cư của Israel nằm cách đó không xa, làm tăng tính cấp bách đối với Tel Aviv trong việc ngăn chặn các mối đe dọa.

Mặt khác tại Gaza, việc phối hợp giữa các tổ chức nhân đạo và quân đội Israel đang gặp vấn đề.

Liên Hợp Quốc và các nhóm viện trợ khác chia sẻ tọa độ về nơi lưu trú, các nhà kho và những cơ sở khác của họ với quân đội Israel. Tel Aviv sau đó thêm chúng vào danh sách những địa điểm cần được bảo vệ và chia sẻ với phi công cũng như lực lượng mặt đất.

Các nhóm viện trợ cũng thông báo trước hoạt động di chuyển của họ với quân đội Israel. Ở những khu vực đặc biệt nguy hiểm, như phía bắc Gaza, Israel hầu như từ chối các sứ mệnh viện trợ vì lý do an ninh.

Người thân khiêng thi thể một nhân viên thuộc tổ chức Bếp ăn Trung tâm Thế giới thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel. Ảnh: AFP

Liên lạc từ các nhóm nhân đạo sẽ đi qua cơ quan hành chính dân sự của quân đội, được gọi là Cogat, trước khi đến với lực lượng trên thực địa. Một quan chức nhân đạo cấp cao của Liên Hợp Quốc cho hay bà đã nhận thấy quy trình trên không thực sự ổn từ lâu.

"Chúng tôi thỏa thuận với Cogat, nhưng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không nhất thiết phải chuyển chúng tới các binh lính của họ tại trạm kiểm soát", bà nói.

Nhóm Viện trợ Người tị nạn Cận Đông của Mỹ (ANERA) đã phải dừng hoạt động ở Gaza sau cuộc không kích đoàn xe WCK, theo chủ tịch ANERA Sean Carroll.

Ông cho hay các nhân viên của họ lần đầu tiên không còn cảm thấy đủ an toàn để đương đầu với những rủi ro nữa. Tổ chức cứu trợ này đã hoạt động tại các vùng lãnh thổ của Palestine trong hơn 5 thập kỷ.

Theo Carroll, ông không biết nên tìm kiếm những biện pháp an toàn nào từ quân đội Israel. Đưa ra thông báo trước về các kế hoạch và hoạt động là một thủ tục tiêu chuẩn mà họ luôn thực hiện. WCK đã thuê các chuyên gia tư vấn an ninh và thậm chí cả một số xe bọc thép hộ tống.

"Những điều đó không giúp ích được gì, vậy điều gì có thể?", ông đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant hôm 2/4 cho biết quân đội Israel đang lên kế hoạch thiết lập cơ chế phối hợp trực tiếp với các tổ chức viện trợ quốc tế. Trong lúc đó, cuộc xung đột đã gây ra tổn thất chưa từng có đối với Liên Hợp Quốc và các nhân viên cứu trợ.

Vào tháng hai, đoàn xe chở thực phẩm của UNRWA, cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc hỗ trợ nhân đạo Palestine, đã bị hải quân Israel tấn công trên con đường ven biển khi họ đang chờ lực lượng Israel cho phép đi vào phía bắc Gaza. Quân đội Israel nói đoàn xe đã bị tấn công nhầm. UNRWA từ đó đình chỉ cung cấp viện trợ cho miền bắc.

Sự thiếu minh bạch về các quy tắc giao chiến hay lời giải thích rõ ràng từ Israel về các cuộc tấn công gây thương vong cho dân thường đã khiến nhiều người ở Gaza cảm thấy bị nhắm mục tiêu có chủ ý. Một nhà báo cho biết gia đình lo sợ cô bị tổn hại nên đã yêu cầu cô chuyển đi nơi khác.

Trong số thường dân thiệt mạng ở Gaza có Hind Rajab, 6 tuổi. Hôm 29/1, cô bé bị mắc kẹt trong một cuộc giao tranh ác liệt ở Gaza City. Người thân của Hind đều thiệt mạng và cô bé đã liên lạc được với những người ứng cứu khẩn cấp.

Theo đoạn ghi âm cuộc gọi, Hind nói với người trực tổng đài điện thoại của Hiệp hội Trăng Lưỡi liềm đỏ Palestine (PRCS) rằng "cháu rất sợ, làm ơn hãy đến. Hãy gọi ai đó đến đưa cháu đi".

Nhóm hỗ trợ y tế đã cử xe cứu thương tới nhưng nó không bao giờ quay trở về. Thi thể Hind được tìm thấy 12 ngày sau đó gần chiếc xe cứu thương cháy đen.

"Chúng tôi đã liên lạc với quân đội Israel. Chúng tôi đưa cho họ bản đồ hành trình", Nebal Farsakh, phát ngôn viên PRCS, nói. "Sau cùng, nó không còn quan trọng nữa. Hind đã bị giết, cùng với hai đồng nghiệp của chúng tôi".

Quân nhân Israel lái xe gần khu vực Dải Gaza hôm 3/4. Ảnh: Reuters

Giới chức Mỹ kêu gọi chính quyền Israel điều tra những gì đã xảy ra với Hind. Quân đội Israel vào thời điểm đó nói với truyền thông rằng cuộc điều tra sơ bộ cho thấy lực lượng của họ không có mặt trong khu vực.

"Chúng ta phải nhờ vào thời điểm này để phát đi thông điệp rằng, không chỉ vụ tấn công đoàn xe Bếp ăn Trung tâm Thế giới, chúng tôi muốn tất cả các sự cố phải được điều tra", Carroll tuyên bố.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?

Big Sam Market Vùng: Niddrie. Phone: 9366 2237
Xem thêm

chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/sai-lam-khien-israel-khong-kich-doan-xe-vien-tro-o-gaza-4730746.html