10 sai lầm khiến con khó ngủ hoặc ngủ không ngon

17:00' 26-11-2019
Một đứa trẻ ngủ không đủ giấc sẽ dẫn đến các vấn đề về nhận thức, ngôn ngữ, và có khả năng mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Hầu như cha mẹ cũng biết rằng giấc ngủ của con là rất quan trọng. Bởi khi ngủ không những giúp trẻ phục hồi lại sức khỏe mà nó còn là thời gian để não bộ và toàn thể các cơ quan trong cơ thể của trẻ phát triển, đặc biệt là chiều cao.

Một đứa trẻ ngủ không đủ giấc sẽ dẫn đến các vấn đề về nhận thức, ngôn ngữ, và có khả năng mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Mặc dù rất muốn và làm mọi cách để giúp con ngủ ngon và ngủ sâu, nhưng đôi khi có những hành động của cha mẹ vô tình khiến cho con khó ngủ hoặc ngủ không ngon. Cha mẹ hãy tham khảo 10 sai lầm dưới đây, và nếu thấy mình trong đó, thì hãy sửa ngay đi nhé.

1. Không thiết lập thói quen đi ngủ đúng giờ

Thiết lập thói quen đi ngủ đúng giờ là điều cần thiết đối với một đứa trẻ. Nó sẽ giúp bé cảm thấy bình tĩnh và đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Điều quan trọng là cha mẹ phải tuân theo một lịch trình nhất định, để con có thể nhận biết rằng đã đến giờ đi ngủ, thì việc chìm vào giấc ngủ của con sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.

2. Không cho con được hoạt động nhiều trong thời gian con thức

Trẻ em cũng giống như người lớn chúng ta, càng bận rộn, càng kiệt sức thì chúng ta càng dễ ngủ hơn. Vì vậy, trong thời gian con thức, cha mẹ hãy cố gắng thu hút bé vào nhiều hoạt động khác nhau. Nói chuyện và hát cho con nghe, tập thể dục kéo căng cơ bắp hoặc ra ngoài và để con tận hưởng một ngày đẹp trời - tất cả những điều này sẽ khiến bé mệt và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

3. Không nhận ra các dấu hiệu buồn ngủ của con

Không cần phải đợi đến khi con khóc gắt ngủ thì cha mẹ mới cho con đi ngủ đâu. Vì có rất nhiều các tín hiệu buồn ngủ mà con đã phát ra trước đó như nhăn mặt, dụi mắt, siết chặt nắm tay, hoặc nhìn chằm chằm vào không gian. Khi thấy con có những biểu hiện này, cha mẹ cần nhanh chóng cho con đi ngủ.

4. Không để con học cách tự làm dịu

Một số thói quen, như lắc lư hoặc mát xa, có thể giúp bé thư giãn và hiểu rằng đã đến giờ đi ngủ. Nhưng thỉnh thoảng, mà tốt hơn hết, là cha mẹ nên bỏ qua những bước này và hãy để con tự xoay xở, cố gắng xoa dịu mình. Đây là phương pháp giúp con học được cách đi vào giấc ngủ mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ.

Đó cũng là lý do tại sao cha mẹ không nên cuống cuồng lao vào dỗ khi con mới o e cựa mình. Bởi thứ nhất, những âm thanh đó không có nghĩa là con đã thức giấc và cần đến cha mẹ. Có thể lúc đó bé đang trải qua các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ và việc của cha mẹ chỉ là đến để kiểm tra xem trẻ có thể thức dậy hay không. Thứ hai, một nghiên cứu của Giáo sư Melissa M. Burnham, công tác tại trường Đại học Nevada (Mỹ) đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ có cha mẹ kiên nhẫn chờ đợi lúc tỉnh giấc có nhiều khả năng trở thành người tự lập khi trưởng thành.

5. Cho con ngủ trong phòng có ánh sáng tối

Một số cha mẹ nghĩ rằng khi con ngủ trưa vào ban ngày thì nên cho bé vào phòng sáng để bé học cách phân biệt giữa ngày và đêm. Tuy nhiên, đây là một sai lầm. Bóng tối có tác dụng làm dịu em bé, đồng thời nó còn thúc đẩy sản xuất melatonin - một loại hormone giúp điều chỉnh giấc ngủ. Do đó, khi con ngủ vào ban ngày, cha mẹ nên kéo bớt rèm cửa lại, để ánh sáng trong phòng dịu nhẹ giúp con ngủ sâu hơn. Còn vào ban đêm, thì cha mẹ chỉ nên mở đèn ngủ tối mờ là đủ.

6. Chuyển từ cũi sang giường quá sớm

Cô Penney Hames – nhà tâm lý học trẻ em – cho biết thời điểm thích hợp nhất để chuyển một đứa trẻ từ ngủ trong cũi sang ngủ trên giường là trong khoảng từ 18 tháng đến 3,5 tuổi. Vì nếu cha mẹ chuyển quá sớm, nó có thể gây nhầm lẫn và không thoải mái cho con. Ví dụ, cha mẹ có thể sẽ thấy trẻ lăn ra khỏi giường vào ban đêm, vì trẻ đã quen với ranh giới của một cái cũi.

Chỉ khi nào con bắt đầu trèo ra khỏi cũi thì cha mẹ nên xem xét việc di chuyển con từ cũi lên giường. Ngoài ra, nếu con đang tập bỏ bỉm thì cũng là lúc tạm biệt cũi, để con ngủ trên giường thì việc dậy đi vệ sinh ban đêm sẽ dễ dàng hơn với con.

7. Ngăn chặn mọi tiếng ồn

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng khi con ngủ thì phải hạn chế mọi tiếng ồn, kể cả tiếng ti vi, tiếng nói chuyện, tiếng điện thoại… Nhưng các chuyên gia nói rằng nếu một đứa trẻ học cách ngủ trong sự im lặng gần như tuyệt đối thì càng lớn, chúng càng khó ngủ. Vì không có cách nào có thể chặn đứng hoàn toàn mọi tiếng ồn, nhất là khi trẻ ngủ ở trường lớp hoặc ở một nơi không phải là nhà. Cha mẹ có thể sử dụng tiếng ồn trắng để giúp con ngủ dễ hơn.

8. Để con thức quá lâu

Cha mẹ có thể nghĩ rằng giữ cho con tỉnh táo càng lâu thì sẽ càng khiến con mệt mỏi và đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một sai lầm. Bởi hành động này có thể làm rối loạn lịch trình ngủ và làm cho thời gian ngủ của con ít đi.

9. Cho con ngủ chung giường với cha mẹ

Một số cha mẹ chọn ngủ chung với con trên giường, dẫn đến tình trạng con bện hơi, nếu không có cha mẹ ngủ cùng thì sẽ khó ngủ. Trên thực tế, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng ngủ chung giường không những sẽ tạo thành thói quen khó bỏ, sau này muốn con ngủ riêng cũng khó, mà nó còn làm tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) và các trường hợp tử vong khác liên quan đến giấc ngủ.

10. Để con ngủ trưa quá dài

Một em bé sơ sinh ngủ từ 13 đến 15 giờ mỗi ngày là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi con đã lớn hơn, cha mẹ không nên cho con ngủ trưa quá 3 giờ mỗi ngày. Vì ngủ quá nhiều vào ban ngày sẽ tạo ra lịch trình đi ngủ không lành mạnh và con có thể khó ngủ hoặc không buồn ngủ vào ban đêm.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from AFAMILY.

Original source can be found here: http://afamily.vn/con-hay-quay-khoc-kho-ngu-co-the-do-bo-me-mac-1-trong-nhung-sai-lam-duoi-day-20191121124020578.chn