10 game di động có doanh thu cao nhất thế giới

05:00' 10-08-2017
Các trò chơi như Pokemon Go, Clash Royale, Honor of Kings... đều đã thu về hơn một tỷ USD lợi nhuận.


ảnh minh họa

Pokemon GO

Được phát hành vào ngày 6/7/2016, trò chơi dựa trên vị trí thực và thực tế tăng cường (AR) của hãng phát triển Niantic (Mỹ) đã thu về hơn một tỷ USD chỉ sau 7 tháng phát hành.

Trò chơi cũng được xem là một hiện tượng "văn hóa", khi hàng chục triệu người đã đổ xuống đường để tham gia vào hành trình bắt những con thú ảo trên khắp thế giới. Nó thậm chí còn dẫn đến các vụ kiện và lệnh cấm hoàn toàn ở những nơi nhất định, mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự nổi tiếng của trò chơi di động này.

Pokemon GO vẫn phát triển mạnh và thường xuyên nằm trong top các bảng xếp hạng game trên toàn cầu. Điều đặc biệt là doanh thu của game không chỉ đến từ việc mua hàng trong ứng dụng mà còn xuất phát từ các địa điểm được tài trợ và các sự kiện trong thế giới thực.

Clash Royale

Được phát hành ngày 2/3/2016 bởi hãng Supercell (Phần Lan), trò chơi thuộc thể loại chiến thuật thả quân này đã nhanh chóng thành công trên toàn thế giới.

Mặc dù dựa vào tên tuổi và nội dung của Clash of Clans, game đã thu về hơn một tỷ USD trong vòng chưa đầy một năm. Nguyên nhân thành công được xác định là do sự khéo léo trong việc làm cô đọng bản chất của thể loại MOBA từ máy tính lên nền tảng di động. Đây là điều mà nhiều hãng phát triển khác đã thực hiện nhưng phần lớn đều không thành công. Không chỉ vậy, game cũng dẫn đầu trong việc đưa trải nghiệm chiến đấu thời gian thực lên di động, trong một trò chơi vui nhộn sáng tạo và có thể theo đuổi lâu dài.

Honor of Kings

Được phát hành vào 26/11/2015, trò chơi thuộc thể loại chiến thuật MOBA do Tencent (Trung Quốc) phát triển này có rất nhiều tên gọi cho các phiên bản khác nhau như Arena of Valor, Strike of Kings, Penta Storm, Realm of Valor hay King of Glory.

Trò chơi này đặc biệt thành công ở thị trường nội địa tới mức chính phủ Trung Quốc đã phải nhiều lần can thiệp để tránh các ảnh hưởng xấu của game tới giới trẻ. Ví dụ hạn chế một giờ chơi mỗi ngày cho trẻ em dưới 12 tuổi và hai giờ chơi cho người từ 12 đến 18 tuổi.

Mobile Strike

Trò chơi thuộc thể loại chiến thuật có đề tài quân sự do hãng MZ phát hành ngày 11/7/2015 đã được xác nhận là có doanh thu hơn một tỷ USD. Một phần lý do thành công của trò chơi được đưa ra là do chiến lược tiếp thị cực kỳ hùng hậu và bài hản của đơn vị phát hành, cũng như gương mặt đại diện Arnold Schwarzenegger.

Đoạn quảng cáo trong sự kiện Super Bowl của MZ cũng là quảng cáo được theo dõi nhiều nhất trên YouTube trong năm 2016 với hơn 100 triệu lượt xem. Trước đó quảng cáo tương tự trong năm 2015 của hãng cũng có hơn 197 triệu lượt xem.

Monster Strike

Đây là trò chơi nhập vai chiến lược kết hợp giải đố do hãng Mixi (Nhật Bản) phát triển, ra mắt ngày 8/8/2013.

Game di động này có đồ họa đẹp mắt, phù hợp và đặc biệt thành công ở Nhật Bản. Vào tháng 8/2015, các báo cáo chỉ ra rằng trò chơi này kiếm được khoảng 4,2 triệu USD một ngày.

Đây là một trong các trò chơi có tuổi đời khá lâu mà vẫn giữ được sự thu hút của đông đảo người chơi qua thời gian. Hãng phát triển cũng đã tạo ra một vài thương hiệu liên quan như phát hành phim hoạt hình, giải đấu eSport...

Game of War: Fire Age

Đây là một sản phẩm thành công khác của MZ, hãng phát triển Mobile Strikeở trên. Game ra mắt ngày 25/7/2013, thuộc thể loại xây dựng và chiến lược. Đây cũng là trò chơi gây nhiều tranh cãi bởi cách huy động tiền từ người chơi qua các vật phẩm bị xem như một kiểu "hút máu". Tuy nhiên, game vẫn có được cộng đồng đông đảo. Hãng phát hành cũng rất chịu chi trong các chiến dịch quảng cáo lên tới nhiều triệu USD với các gương mặt diễn viên nổi tiếng cho sản phẩm này.

Disney Tsum Tsum

Dù không được nhiều người Việt biết tới nhưng sản phẩm của hãng Line Corporation phát hành năm 2013 là một game di động rất thành công, đặc biệt ở thị trường Nhật Bản. Là game giải đố với đồ họa vui nhộn, kết hợp với thương hiệu Disney, trò chơi này rất hiếm khi trượt khỏi top 10 bảng xếp hạng doanh thu ở Nhật và vừa cán mốc một tỷ USD vào ngày 11/4/2017.

Candy Crush Saga

Ra mắt ngày 12/4/2012, trò chơi thuộc dạng "xếp kim cương" do King, hãng phát triển game có trụ sở tại London, Anh, tạo ra đã và đang gây con sốt trên toàn thế giới. Đơn giản nhưng không hề dễ chơi, sản phẩm này đã trở thành một hiện tượng văn hóa, là game di động thu hút đông đảo đối tượng game thủ là nữ giới và dân văn phòng.

Sự thành công của trò chơi này là một trong những lý do chính khiến Activision Blizzard đã mua lại King với giá 5,9 tỷ USD vào tháng 11/2015.

Clash of Clans

Game do hãng Supercell phát triển, ra mắt ngày 2/8/2012, thuộc thể loại chiến lược thả quân.

Sau 5 năm phát triển, trò chơi này vẫn luôn nằm trong top các game di động có doanh thu ấn tượng nhất, được xem là sản phẩm đỉnh cao của thể loại chiến thuật xây dựng và chiến đấu trên smartphone. Game có độ hoàn thiện đáng kể về thiết kế và hệ thống mua sắm hoàn hảo, giúp người chơi không ngại bỏ tiền vào game mà không hề cảm thấy tiếc nuối.

Puzzle & Dragons

Đây là trò chơi thuộc dạng nhập vai kết hợp giải đố do hãng GungHo (Nhật Bản) phát hành ngày 20/2/2012.

Sản phẩm này được xem là một tượng đài trong ngành công nghiệp game di động ở Nhật Bản, khi thành công của nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa nhiều cơ chế chơi tưởng như không tương đồng với nhau. Đáng chú ý hơn nữa là doanh thu khổng lồ của game chủ yếu đến từ thị trường nội địa. Cho đến nay, trò chơi đã đạt được 46 triệu lượt tải về tại Nhật Bản. Con số này khá nổi bật bởi vào năm 2016, tổng dân số Nhật Bản được ước tính ở mức 127 triệu người.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Verduci Lawyers Vùng: Footscray. Phone: 9689 4733
Xem thêm

chuyên về luật thương mại, luật gia đình, luật bất động sản


Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1855319