'Cuộc chiến vi mạch' - tham vọng của các cường quốc

11:54' 09-01-2025
Chris Miller nói về sự trỗi dậy của ngành công nghiệp chip bán dẫn và tác động địa chính trị quanh nó, trong Cuộc chiến vi mạch.

Nếu như cán cân quyền lực của thế kỷ 20 xoay quanh tài nguyên dầu mỏ, thì đến thế kỷ 21, cuộc chiến này chuyển sang một thứ còn quan trọng và khan hiếm hơn: Chip bán dẫn.

Chất bán dẫn là loại vật liệu đặc biệt giúp kiểm soát dòng điện một cách linh hoạt. Điều này làm chúng trở thành vật liệu lý tưởng cho các vi mạch điện tử (chip), linh kiện được xem như trái tim của điện toán hiện đại.

Ngày nay, các chip bán dẫn có trong hầu hết thiết bị điện tử, từ điện thoại di động, laptop, ô tô cho đến vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, chỉ có một số ít công ty trên thế giới đang kiểm soát hoạt động sản xuất những con chip này. Ngành công nghiệp này bị chi phối không chỉ bởi độ phức tạp, tinh vi trong quá trình sản xuất, mà còn bị bởi xung đột của các cường quốc trên thế giới.

Bìa "Cuộc chiến vi mạch" (Chip War), sách 548 trang, do Kim Luyến dịch. Ảnh: Nhã Nam

Trong Cuộc chiến vi mạch: Cuộc tranh đoạt công cụ quyền lực nhất thế giới, tác giả Chris Miller mô tả về cuộc chiến kéo dài hàng thập niên để kiểm soát nguồn chip bán dẫn và công nghệ vi mạch. Từ Chiến tranh Lạnh cho đến cuộc đối đầu Mỹ - Trung, Chris Miller chứng minh rằng một ngành công nghiệp có thể tác động đáng kể đến trật tự kinh tế và chính trị của thế giới trong tương lai.

Chris Miller là giáo sư lịch sử quốc tế của Đại học Tufts, có bằng tiến sĩ và thạc sĩ tại Đại học Yale, bằng cử nhân lịch sử tại Đại học Harvard, Mỹ. Ông hiện là phó giáo sư chuyên ngành Lịch sử quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, giảng viên thỉnh giảng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. Với hơn 100 cuộc phỏng vấn với các chuyên gia bán dẫn hàng đầu, học viện và chính phủ, tác giả có cái nhìn bao quát về lịch sử ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như những câu chuyện của từng cá nhân trong cuốn sách.

Năm 1955, một trong những công ty tiên phong trong ngành công nghiệp bán dẫn - Shockley Semiconductor - được thành lập tại California (Mỹ). Người sáng lập là William Shockley, người đoạt giải Nobel Vật lý nhờ phát minh ra bóng bán dẫn.

Shockley có một sự nghiệp khoa học thành công, tuy vậy, ông lại không nhạy bén với kinh doanh. Điều này đã dẫn đến "cuộc đào tẩu" của một nhóm gồm tám kỹ sư, gồm Gordon Moore và Bob Noyce, vào năm 1957 để thành lập một công ty mới có tên là Fairchild Semiconductor. Họ được xem là những người khởi đầu cho Thung lũng Silicon.

Chip bán dẫn tại Thung lũng Silicon có tốc độ phát triển thần kỳ, được mô tả qua dự đoán của Moore rằng cứ hai năm, số lượng bóng bán dẫn trên một con chip sẽ tăng gấp đôi và giá thành giảm một nửa.

Nhưng các mạch tích hợp không chỉ kết nối các linh kiện điện tử theo những cách đầy sáng tạo, mà chúng còn kết nối các quốc gia vào một mạng lưới mà Mỹ là trung tâm. Lịch sử chip bán dẫn vì vậy mà không thiếu những câu chuyện gay cấn, từ những kỹ sư táo bạo làm nên cuộc cách mạng công nghệ cho đến các phi vụ đánh cắp công nghệ, hay cuộc giằng co nhằm kiểm soát nhà máy sản xuất chip bằng lực lượng quân sự. "Sự thay đổi địa chấn gây tổn hại nhất đến nguồn cung chất bán dẫn ngày nay không phải do sự va chạm của các mảng kiến tạo mà do sự đụng độ của các cường quốc", Miller viết.

Sức mạnh to lớn của những con chip nhỏ bé buộc các cường quốc phải tham gia vào chiến trường bán dẫn nhằm có được lợi thế kinh tế và chính trị. Liên Xô đã từng cố gắng sao chép các sản phẩm của Thung lũng Silicon nhờ mạng lưới điệp viên nhưng cuối cùng thất bại. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng nhanh chóng tham gia mạng lưới với sự hỗ trợ của giới tinh hoa và chính phủ.

Trung Quốc sau khi nhận ra sự chậm trễ của mình cũng đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua. Khi Trung Quốc và Mỹ tranh giành uy thế, cả hai đều tìm cách kiểm soát tương lai của điện toán bằng cách gia tăng ảnh hưởng tại Đài Loan, nơi có nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.

Tác giả Chris Miller. Ảnh: ChristopherMiller.net

Nhìn lại lịch sử của thung lũng Silicon không chỉ đơn giản là về khoa học hay kỹ thuật. Theo Miller, con chip đã tạo nên thế giới hiện đại vì xã hội và nền chính trị của con người đã cấu trúc cách các con chip được nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, lắp ráp và sử dụng. Lịch sử của chất bán dẫn cũng là câu chuyện về bán hàng, marketing, quản lý chuỗi cung ứng, cắt giảm chi phí và sự tranh giành quyền lực.

Về cuốn sách, The New York Times nhận xét: "Chip War ngập tràn vẻ nam tính mạnh mẽ không chút ngại ngùng, sự sáng tạo chính đáng, lòng tham không đáy và những mưu đồ quyền lực xảo quyệt trên vũ đài thế giới". Theo Financial Times, cuốn sách là "một lịch sử hấp dẫn về ngành công nghiệp bán dẫn", làm sáng tỏ cách Mỹ hoàn thiện thiết kế chip và cách các quốc gia châu Á chi phối nhiều phần của chuỗi cung ứng cho công nghệ quan trọng này.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Hikaru Sushi M-City Vùng: Seven Hills. Phone: 8512 0843
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/cuoc-chien-vi-mach-tham-vong-cua-cac-cuong-quoc-4836791.html